Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử

Màn lễ tái hiện lại Chiến thắng Bạch Đằng. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN
Màn lễ tái hiện lại Chiến thắng Bạch Đằng. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Ngày 18/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức Lễ hội truyền thống Bạch Đằng kỷ niệm 1083 năm (938-2021); 1040 năm (981-2021) và 733 năm (1288-2021) Chiến thắng Bạch Đằng. Sự kiện thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh tham dự.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử ảnh 1Ông Hồ Văn Vịnh, Bí thư Thị ủy Quảng Yên đánh trống khai hội Bạch Đằng. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Lễ hội nhằm khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Đồng thời đây cũng là hoạt động nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch, chào mừng Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử ảnh 2Màn lễ tái hiện lại Chiến thắng Bạch Đằng. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Theo các thư tịch cổ, sông Bạch Đằng có hệ thống núi non hiểm trở, có nhiều hang động và rừng rậm, đặc biệt thuận lợi cho việc bố trí phòng thủ. Nơi đây, đã diễn ra ba trận thủy chiến hào hùng của dân tộc ta chống quân xâm lược phương Bắc của Ngô Quyền chống quân Nam Hán năm 938, của Lê Đại Hành chống quân Tống năm 981 và của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông năm 1288. Chiến thắng Bạch Đằng luôn làm nhiều thế hệ người dân tự hào vì một nước nhỏ nhưng với tinh thần đoàn kết dân tộc đã đánh bại cuộc xâm lược của đế quốc hùng mạnh nhất thời bấy giờ.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử ảnh 3Lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Quảng Yên luôn quan tâm đặc biệt đối với khu di tích. Năm 2012, thị xã Quảng Yên đã lập hồ sơ và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419 xếp hạng quần thể Khu di tích Chiến thắng Bạch Đằng là Di tích quốc gia đặc biệt. Ngày 18/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 322 phê duyệt Quy hoạch tổng thể Bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng. Từ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương, của tỉnh Quảng Ninh, đã góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân về tầm vóc lịch sử, giá trị của di tích. Trong thời gian vừa qua, thị xã đã thu hút được rất nhiều nguồn lực xã hội cùng đồng hành tham gia vào tôn tạo, bảo tồn, lưu giữ di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử ảnh 4Lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Tháng Ba âm lịch hằng năm, bên bờ Bắc sông Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên đều tổ chức lễ hội để gợi nhớ những chiến thắng lẫy lừng này. Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô cấp tỉnh là một trong 88 hoạt động kích cầu du lịch của tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Lễ hội tập trung diễn ra tại Khu Trung tâm di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng với nhiều hoạt động như: Khai hội truyền thống Bạch Đằng, chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề “Bạch Đằng - Bản anh hùng ca của dân tộc”, lễ rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, tế yết theo nghi lễ truyền thống.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử ảnh 5Lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh tham dự. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Cùng với đó là các hoạt động chào mừng gắn với các hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch theo trình tự thời gian, cụ thể như: Triển lãm tranh, ảnh thời sự nghệ thuật, tham quan di tích bãi cọc, triển lãm hình ảnh Bảo vật quốc gia; triển lãm thư pháp tại Khu trung tâm di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, tổ chức các trò chơi dân gian tại sân quảng trường Khu di tích Bạch Đằng như: Cờ người, cờ thẻ, kéo co. Bên cạnh đó là các chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách tại Khu di tích lịch sử Bạch Đằng trong các ngày diễn ra lễ hội.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử ảnh 6Bến đò xưa, cây quếch nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội cho biết, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã dành nguồn lực và giao thị xã Quảng Yên chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đang tích cực triển khai công tác đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Dự án được thực hiện đến hết năm 2025, giai đoạn 1 thực hiện ở khu Trung tâm di tích; giai đoạn 2 đầu tư hoàn thiện các hạng mục: Công viên, vườn hoa, khu chợ truyền thống, đường giao thông nội bộ trong khu di tích, quảng trường tổ chức lễ hội, nhà trưng bày thực cảnh Chiến thắng Bạch Đằng, sa bàn trận đánh và tượng đài đức thánh Trần Hưng Đạo, bảo tồn bãi cọc Bạch Đằng và khu phát huy giá trị. Trong đó nhiều hạng mục tâm linh trong quần thể Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng đã hoàn thành và trở thành điểm tham quan hấp dẫn như: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, Bến đò cổ, đình Trung Bản, đền Trung Cốc, đình Yên Giang... đặc biệt là việc phát huy và tổ chức tốt Lễ hội truyền thống Bạch Đằng hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách ở mọi miền đất nước về thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng.

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng 2021, khơi nguồn truyền thống giáo dục thế hệ trẻ những giá trị lịch sử ảnh 7Màn lễ tái hiện lại Chiến thắng Bạch Đằng. Ảnh: Đức Hiếu - TTXVN

Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2021 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 18/4 đến ngày 20/4/2021 (tức ngày 7 đến ngày 9/3 âm lịch).

Đức Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm