Từ ngày 28 - 30/9, tại Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, vui chơi giải trí đặc sắc.
Bắt đầu từ năm Quý Sửu 1913, tính đến nay đã tròn 110 năm, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ là nét phong tục, tập quán tốt đẹp trong hoạt động sản xuất ngư nghiệp của người dân địa phương. Lễ hội phản ánh niềm tin, tín ngưỡng, quan niệm và tri thức dân gian của ngư dân huyện Cần Giờ. Các nghi thức, nghi lễ cùng những hoạt động diễn ra trong lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của ngư dân, thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ, tạ ơn Thần Nam Hải, Thần Biển đã che chở, hỗ trợ ngư dân trong cuộc sống, sản xuất. Lễ hội cũng là dịp ngư dân cầu mong bình an cho những chuyến ra khơi, ước mong vụ mùa đánh bắt bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Qua nhiều năm, lễ hội được chuẩn hóa cho phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện nay nhưng vẫn giữ nguyên giá trị của Lễ hội Nghinh Ông.
Người góp phần giữ hồn cho lễ hội chính là Nghệ nhân ưu tú Phan Văn Chấn (Phó Hội Vạn lạch) và ngư dân huyện Cần Giờ.
Theo ông Phan Văn Chấn, Lễ hội Nghinh Ông là dịp để kết nối con người với thần linh, con người với thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an và mọi điều tốt lành trong cuộc sống, tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ cúng thủy thần của ngư dân. “Lễ hội Nghinh Ông được người dân huyện Cần Giờ xem như là cái Tết thứ hai. Lễ hội nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, nghỉ ngơi sau những ngày lao động vất vả ngoài biển khơi, là dịp đón tiếp người thân, du khách đến tham quan và đồng cảm với người dân miền biển”, ông Phan Văn Chấn chia sẻ.
Để bảo tồn các di sản quý giá, ông Phan Văn Chấn không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện các nghi thức và tự đóng thành sách tư liệu về Lễ hội Nghinh Ông, giá trị của Lăng Ông thủy tướng, làm tư liệu căn bản để truyền lại cho thế hệ sau này. Trong đó, ông đã phối hợp với các chức sắc Hội Vạn lạch hoàn chỉnh lại các nghi thức lễ hội và ghi chép cẩn thận làm tài liệu cơ bản truyền lại cho thế hệ sau. Đến nay, Ban lễ hội Nghinh Ông chuẩn hóa nhiều nội dung phần hội như hoàn chỉnh đội hình nghi thức Lễ Thượng đại kỳ, nghi thức đưa - rước nghinh, nghi thức Lễ cúng cầu ngư. Đặc biệt là nghi thức cúng cá Ông ngoài biển và nghi thức cúng Đại lễ tại Lăng Ông, nâng cấp Lễ cúng Bạn cũ lái xưa.
Tại Lễ hội, hàng nghìn du khách có dịp được tham gia nhiều chương trình đường phố như “Phiên chợ hàng Việt”, giới thiệu đặc sản Cần Giờ, trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng huyện nông thôn mới; các loại hình trò chơi dân gian, giao lưu đờn ca tài tử, văn nghệ thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu, liên hoan lân sư rồng và diều nghệ thuật, giải bóng đá cà kheo, giải đua xe đạp vòng quanh thị trấn Cần Thạnh…
Tới tham dự lễ hội, anh Huỳnh Bảo Khôi (đến từ Vũng Tàu) bày tỏ sự thích thú, hào hứng trước những không gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng Nam bộ. Anh Khôi mong rằng, những nét văn hóa của lễ hội sẽ luôn được gìn giữ, nối dài trong tương lai, góp phần phát triển du lịch và kinh tế cho vùng đất biển Cần Giờ.
Cùng với đó, nghệ thuật đờn ca tài tử cũng là một điểm nhấn đặc sắc để lại nhiều thương nhớ trong lòng du khách. Năm nay, nhằm phục vụ Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị các chương trình biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ quy mô và phong phú xuyên suốt trong 4 ngày từ 27 - 30/9. Các chương trình biểu diễn với các chủ đề “Ngày hội quê hương”, “Tình ca quê hương”, “Bức họa quê hương” và “Tinh hoa Nam bộ”, nêu bật vẻ đẹp của vùng đất và người Cần Giờ cũng như Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, nhiều tiết mục tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật Đờn ca tài tử được giới thiệu đến người dân và du khách đi lễ hội, như hòa đờn ca “Hương sắc mới quê tôi”, “Ngày mới trên quê hương”, “Cần Giờ quê em”, “Tìm về nguồn cội”, “Non sông thanh bình”, “Bài ca thành phố mùa xuân”; hòa tấu điệu Lưu - Bình – Kim,…
Năm 2023, tròn 110 năm duy trì bền bỉ, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào đối với huyện Cần Giờ nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, là sự ghi nhận những nỗ lực của ngư dân và địa phương trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, nhất là chú trọng giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng biển, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thu Hương