Lào Cai nỗ lực phòng, chống dịch bệnh sau lũ

Lào Cai nỗ lực phòng, chống dịch bệnh sau lũ

Từ cuối tháng 7/2023 đến trung tuần tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai liên tục xảy ra các đợt lũ lớn, nhỏ tại các địa phương. Sau mỗi đợt lũ rút, nhiều khu vực ngập trong bùn lầy và rác thải khiến nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Trước tình trạng này, ngành Y tế tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh nhằm chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lào Cai nỗ lực phòng, chống dịch bệnh sau lũ ảnh 1Chính quyền địa phương xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục sau mưa lũ. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, lũ lụt những ngày vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với tỉnh Lào Cai. Không những gây thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng tại nhiều nơi bị phá hủy, ước tính thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ghi nhận tại các xã bị ngập lụt nặng của thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và các huyện: Bảo Thắng, Văn Bàn…, sau lũ, tình trạng rác thải, chất thải, xác động vật còn đọng lại tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, trong những ngày ngập lụt, nhiều người đã phải dầm mình trong nước lũ, tiếp xúc nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh.

Trận lũ sáng 7/8 tại xã Cốc San, đã khiến hơn 30 hộ dân thôn Toòng Chú ngập trong bùn đất. Lũ rút cũng là lúc các gia đình với sự hỗ trợ của lực lượng tại chỗ địa phương lo dọn dẹp thu xếp đồ đạc, thống kê thiệt hại sơ bộ trong nhà. Thực hiện phương châm “Nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó”, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và y tế xã, các hộ dân đã nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường và ổn định cuộc sống; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý nguồn nước trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ cuộc sống, sinh hoạt cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai cho biết: sau mưa lũ, nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường và các loại dịch bệnh như tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết… Để đảm bảo sức khỏe cho người dân sau mưa lũ, Trung tâm Y tế đã chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con dọn vệ sinh môi trường; đồng thời trực tiếp giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sau mưa lũ tại những địa phương chịu ảnh hưởng của mưa lũ.

Đặc biệt, sau sự cố vỡ cống hồ thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển đồng Tả Phời vào ngày 8/8, nhiều hộ dân tại xã Tả Phời, thành phố Lào Cai, bị nước ngập vào nhà cuốn theo nhiều bùn đất và tạp chất. Gần 30 hộ dân thuộc thôn Phời 3, xã Tả Phời bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, tại nhiều gia đình, khu vực nhà vệ sinh, bếp ăn, nguồn nước đều bị vùi lấp hoặc ngập úng không thể sử dụng được.

Bà Phạm Thị Dúng, thôn Phời 3 cho biết: “Khi lũ vừa rút, gia đình phải sống trong cảnh ẩm ướt và lầy lội. Đồ đạc mất hoặc hỏng hóc, quần áo không có để thay. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước sạch, tất cả giếng nước đều đã bị nhiễm bẩn nên không thể sử dụng". Mất nước, không có nhà vệ sinh, rác thải và xác súc vật theo dòng nước tràn ra môi trường… Những vấn đề này tiềm ẩn nguy cơ gây mất vệ sinh môi trường và phát sinh các loại dịch bệnh như: bệnh về mắt, bệnh về da, bệnh tiêu hóa, hô hấp... 

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Lào Cai giám sát, đánh giá tình hình hình tại vùng ngập lụt và triển khai khử khuẩn môi trường. Đoàn công tác đã kiểm tra, đánh giá tình hình vệ sinh môi trường và chất lượng nguồn nước sinh hoạt ăn uống, quản lý chất thải trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý môi trường, thu gom, xử lý xác súc vật chết; xử lý nguồn nước cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm. Đoàn công tác đã chỉ đạo Trung tâm y tế và trạm y tế xã thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, phun diệt côn trùng và vật trung gian truyền bệnh tại các khu vực bị ngập úng.

Hiện, gia đình bà Dúng cùng một số hộ đã hoàn tất việc dọn dẹp để lấy nơi ở. Địa phương đã lắp đặt xong 2 téc chứa nước để cung cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai Trần Xuân Hùng, tình hình sức khỏe của người dân trên địa bàn chưa có những dấu hiệu, biến động về mặt sức khỏe. "Tuy nhiên, để ngăn ngừa các yếu tố xấu ảnh hưởng đến sức khỏe có thể xảy ra trong thời gian tới, chúng tôi đang và sẽ tập trung xử lý môi trường sống của người dân; đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân sinh hoạt. Đối với những hộ dân bị mất hết toàn bộ nhà cửa đã được phía địa phương và công ty hỗ trợ có nơi ăn nghỉ, cung cấp khẩu phần ăn hằng ngày, cung cấp bổ sung chăn, màn, quần áo, đảm bảo sức khỏe", ông Trần Xuân Hùng nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế cảnh báo: Người dân ở các vùng bị ngập lụt nặng dễ mắc các loại dịch bệnh như: Bệnh về đường tiêu hóa, bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, da, các bệnh lý do nhiễm trùng vết thương... Nguyên nhân chính là do nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm. Mặt khác, sức đề kháng của người dân bị giảm sút vì phải lao động quá sức (dọn dẹp nhà cửa để tránh bão, lũ, xử lý vệ sinh môi trường sau lũ), việc ăn uống không bảo đảm dinh dưỡng nên rất dễ mắc bệnh, nhất là những người già, người có bệnh nền và trẻ em.

Do đó, bên cạnh triển khai các biện pháp đảm bảo y tế, ngành Y tế Lào Cai đang tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố và kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh để nhanh chóng xử lý, đảm bảo sức khoẻ cho người dân.

Hương Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm