Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tiến hành khảo sát thực tế triển khai dự án tại xã Púng Bánh. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Dự án làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh với mục đích nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai còn hoang hóa ở vùng đặc biệt khó khăn cũng như tạo việc làm ổn định cho một bộ phận thanh niên khu vực nông thôn và nhân dân trên địa bàn. Dự án được giao cho Tỉnh đoàn Sơn La thực hiện từ năm 2014 - 2018, với tổng vốn đầu tư 45,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục như: Nhà ở, nhà điều hành, nhà văn hóa, nhà mẫu giáo...; khu đất phát triển sản xuất; khu đất khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng. Dự kiến, hết năm 2018, dự án sẽ đón 100 hộ thanh niên đến sinh sống và giải quyết việc làm cho 200 lao động thường xuyên. Tuy nhiên, từ khi Tỉnh đoàn tổ chức Lễ ra quân xây dựng năm 2015, thì đến tháng 5/2018, dự án vẫn "dậm chân tại chỗ". Anh Lò Văn Thanh, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp chia sẻ: Gia đình có 1 ha đất nằm trong khu quy hoạch dự án làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh. Trước đây gia đình canh tác trên diện tích này, nhưng nay bị thu hồi nên không có đất để sản xuất, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của gia đình, nếu dự án cứ kéo dài thì không biết đến khi nào gia đình mới ổn định cuộc sống.
Dự án vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục giải phóng mặt bằng. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Lý giải việc dự án chậm tiến độ, ông Trần Văn Hùng, Tổng đội trưởng Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Sơn La, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh cho biết: Nguyên nhân là do chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chưa có kinh nghiệm trong quản lý và triển khai thực hiện nên từ khâu xây dựng dự án, lập dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, do nhận thức ban đầu của người dân về chủ trương xây dựng làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh còn hạn chế. Họ băn khoăn việc thu hồi diện tích đất thì gia đình sẽ không có đất sản xuất hay việc chia nguồn nước sẽ không đủ tưới tiêu cho hai vụ lúa mùa và xuân... Nhờ tích cực tuyên truyền, vận động, đến nay, 100% hộ gia đình đã hoàn thành việc bàn giao đất đợt 1.
Các hạng mục xây dựng cơ bản của dự án đều chưa hoàn thành. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Giải thích thêm về việc chậm tiến độ, Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La Vàng A Lả cho biết: Hiện nguồn vốn đối ứng của tỉnh Sơn La cho hạng mục giải phóng mặt bằng chưa được giải ngân. Tổng số tiền chi trả giải phóng mặt bằng cho 92 hộ dân trong đợt 1 từ tháng 9-10/2017 hơn 1,6 tỷ là do đơn vị thi công tạm ứng. Đây là khó khăn, vướng mắc chính trong triển khai, thi công dự án làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh. Để dự án sớm hoàn thành, Bí thư Tỉnh đoàn Sơn La Vàng A Lả đề nghị UBND tỉnh Sơn La xem xét, bố trí vốn đối ứng, trong đó ưu tiên kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án. Các đơn vị liên quan phối hợp với Tỉnh đoàn lên kế hoạch, lập phương án xây dựng thí điểm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại vùng dự án. Trên cơ sở đó, Tỉnh đoàn sẽ tiến hành giao đất, sớm đón các hộ thanh niên vào sinh sống và sản xuất.
Đường giao thông dài 3,3km chưa được đổ bê tông gây khó khăn cho các phương tiện di chuyển. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh không đơn thuần là một dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà là một dự án tổng hợp về quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư và phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư Huyện đoàn Sốp Cộp Lê Đức Trường chia sẻ: Thanh niên huyện Sốp Cộp nói riêng và thanh niên vùng biên tại tỉnh Sơn La nói chung đều mong muốn làng thanh niên lập nghiệp Púng Bánh sớm đi vào hoạt động. Từ đó tạo niềm tin, động lực và ý chí phấn đấu cho thanh niên ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất tại địa phương; đồng thời đưa huyện Sốp Cộp trở thành điểm sáng, mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội ở các huyện vùng biên.
Tỉnh đoàn Sơn La làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án. Ảnh: Diệp Anh - TTXVN |
Theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án làng thanh niên lập nghiệp được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới giúp thanh niên và nông dân ở địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức ổn định đời sống và phát triển sản xuất. Đặc biệt, việc xây dựng làng thanh niên gắn với xây dựng thế trận quốc phòng và khu vực phòng thủ, phối hợp với các đơn vị vũ trang thành lập lực lượng ứng phó tại chỗ trong mọi tình huống, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Diệp Anh