Lạng Sơn trang bị kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ

Giảng viên dạy bơi cho trẻ em tại Bể bơi Tỉnh đội Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Giảng viên dạy bơi cho trẻ em tại Bể bơi Tỉnh đội Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có nhiều sông suối, hồ đập và các khe thác nước. Điều này luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước ở trẻ em, nhất là trong dịp hè. Việc trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ nhỏ là cần thiết để phòng ngừa tai nạn đuối nước.

Lạng Sơn trang bị kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ ảnh 1Giảng viên dạy bơi cho trẻ em tại Bể bơi Tỉnh đội Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Gần một năm trôi qua, kể từ ngày ba cháu bé ở thôn Hà Quảng, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, tử vong do đuối nước, người dân trong thôn vẫn chưa hết bàng hoàng. Một hố nước nhỏ đã cướp đi tính mạng của ba cháu bé.

Theo người dân trong thôn kể lại, địa điểm xảy ra vụ việc là một hố nước hình lòng chảo, do phía trên là mương nước dồn về lâu ngày đất đá bị xói mòn nên khá sâu. Vị trí hố nước chỉ cách đường giao thông khoảng 15 mét nhưng ít người qua lại. Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm và tích cực đẩy mạnh tuyên truyền tới nhân dân để nâng cao tinh thần cảnh giác trong việc giám sát, quản lý con em mình.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình Hoàng Văn Hoàn cho hay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo thực hiện rà soát các vị trí ao hồ nguy hiểm, cắm biển cảnh báo ở khu vực trẻ hay xuống chơi, tắm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các nhà trường hướng dẫn an toàn môi trường cho trẻ…

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ đuối nước trẻ em. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ không biết bơi, chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng an toàn dưới nước. Nhiều phụ huynh vẫn chủ quan, thiếu quản lý, theo dõi để trẻ tự do tìm đến sông suối, hồ đập để đùa nghịch, vui chơi mà không có sự giám sát của người lớn.

Qua rà soát, toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 660 điểm nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ, như các sông, suối, ao sâu, hồ đập… cùng rất nhiều hang nước nhỏ tại các núi đá, hẻm vách. Đặc biệt, vào kỳ nghỉ hè của học sinh, nguy cơ xảy ra đuối nước tăng cao, việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng, chống đuối nước cho trẻ lại càng trở nên cấp thiết.

Theo ông Lý Văn Trường, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Ngần, xã Khánh Xuân, huyện biên giới Lộc Bình, thời tiết nắng nóng, nhiều trẻ em trong xã thường có thói quen rủ nhau ra tắm ở ao, suối, dẫn đến nguy cơ đuối nước là rất cao bởi nhiều trẻ chưa biết bơi, chỉ bám víu vào những tấm xốp hay thân cây nổi. Thôn thường xuyên tuyên truyền các gia đình hạn chế cho con tắm ao, suối, hoặc phải giám sát chặt chẽ phòng ngừa đuối nước.

Trang bị kỹ năng bơi lội trong môi trường nước là hoạt động hiệu quả các cấp, ngành, nhiều địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đang thực hiện nhằm phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ. Nhiều khóa học bơi ngắn hạn, mô hình “Lớp dạy bơi miễn phí” cho trẻ em được các trường học, trung tâm phát triển năng khiếu trong tỉnh mở ra vào dịp hè, thu hút sự quan tâm của phụ huynh và các em nhỏ. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành tỉnh Lạng Sơn quan tâm triển khai dưới nhiều hình thức như phát tờ rơi, phổ biến kiến thức về phòng, tránh đuối nước tại các trường học, xã, phường. Các địa phương tích cực rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn Đàm Văn Chính, thời gian tới, các địa phương, các cấp ngành cần quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới người dân về phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ. Trong quá trình thực hiện, cần rà soát các điểm ao hồ, sông ngòi có nguy cơ cao để kịp thời cắm các biển cảnh cáo, ngăn chặn trẻ em đến vui chơi, tắm vào mùa hè. Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rất quan tâm chú trọng xây dựng mô hình ngôi nhà an toàn tại các huyện, thành phố. Đây là mô hình có hiệu quả rất tốt nhằm phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ.

Để phòng, tránh tai nạn đuối nước hiệu quả, các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Mỗi phụ huynh cần nêu cao ý thức, trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ con em, xây dựng môi trường an toàn và lành lạnh cho trẻ.

Nguyễn Quang Duy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm