Với địa hình chủ yếu là núi đồi, có không ít thôn bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn “trắng sóng” di động và các dịch vụ viễn thông 3G, 4G. Thực hiện chuyển đổi số, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông Lạng Sơn đã tích cực phát triển các trạm thu phát sóng di động tại các thôn bản đặc biệt khó khăn…
Phủ sóng viễn thông, nâng cao chất lượng sống
Nằm xen kẽ giữa những ngọn đồi, xã Vạn Thủy, huyện Bắc Sơn là nơi sinh sống của nhiều hộ đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao.
Do địa hình trải rộng nên việc liên lạc bằng điện thoại của người dân gặp nhiều khó khăn. Sau khi VNPT Lạng Sơn lắp đặt trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) vào cuối năm 2022, việc liên lạc đã thuận tiện và đơn giản hơn rất nhiều.
Gia đình chị Hoàng Thị Huệ ở thôn Nà Thí, xã Vạn Thủy có nghề trồng quế truyền thống. Sau khi sóng điện thoại ổn định, có mạng 3G, 4G, gia đình chị đã tăng cường quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh thông tin khác nhau, từ đó việc tiêu thụ quế trở nên thuận lợi hơn. Cũng nhờ có Internet, chị Huệ học hỏi thêm được phương pháp chăm sóc cây, cách khai thác và chế biến sản phẩm quế. “Trước đây, mỗi khi muốn liên lạc với người thân, tôi thường phải chạy lên điểm cao mới có thể bắt được sóng di động. Từ khi sóng điện thoại, mạng 3G, 4G ổn định, tôi thấy cuộc sống vui hơn, mọi người gần nhau hơn, gia đình cũng bán được nhiều quế hơn” - chị Huệ phấn khởi nói.
Nhờ có các trạm BTS, trên 85% cán bộ xã, thôn, bản khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên sử dụng thư điện tử và ứng dụng Zalo để trao đổi công việc.
Theo ông Lưu Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vạn Thủy cho biết: “Từ khi có trạm BTS, cán bộ xã đỡ vất vả nhiều. Các Bí thư Chi bộ thôn, xóm đã thành lập nhóm Zalo để trao đổi công việc. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật… được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả. Cán bộ không còn phải thường xuyên xuống tận thôn, bản như trước nữa”.
Cũng nhờ có trạm BTS đặt tại xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, các em học sinh dân tộc Dao nay đã có thể ngồi tại nhà học bài, ôn bài qua phần mềm hỗ trợ học sinh học trực tuyến với các bạn và thầy giáo, cô giáo. Sóng viễn thông ổn định giúp các em có cơ hội tìm tài liệu, tiếp cận kiến thức mới, kết quả học tập ngày càng tiến bộ.
Tính đến hết năm 2022, Lạng Sơn đã xóa “trắng sóng” 54 thôn, xóa “lõm sóng” 56 thôn. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ phủ sóng băng rộng di động đến 100% thôn bản và bắt đầu phủ sóng 5G.
Việc phủ sóng viễn thông không chỉ giúp đồng bào trao đổi thông tin, tiếp cận kiến thức mới mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Tiếp tục xóa vùng “trắng sóng”, vùng “lõm sóng”
Lạng Sơn hiện có 3.197 trạm BTS; 122 thôn bản “trắng sóng”; 218 thôn bản “lõm sóng”. Để xóa “trắng sóng”, “lõm sóng”, Viettel Lạng Sơn chịu trách nhiệm xây dựng 181 trạm, VNPT Lạng Sơn 100 trạm, Mobifone 19 trạm.
Ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng 85 trạm BTS, phấn đấu đến cuối năm 2023 hoàn thành 109 trạm BTS. Viettel Lạng Sơn sẽ tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khắc phục tình trạng “lõm sóng” ở nhiều khu vực để mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông”.
Xác định chuyển đổi số phải đồng bộ, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2025 phổ cập sóng 5G; hơn 80% hộ gia đình được sử dụng Internet cáp quang băng rộng; mỗi hộ gia đình có 1 điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng...
Bà Phương Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Với quan điểm tiếp tục ưu tiên khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng “lõm sóng” di động”.
Với kế hoạch phát triển hạ tầng số đến năm 2025, phổ cập mạng di động 3G, 4G và điện thoại di động thông minh, Lạng Sơn tin tưởng sẽ không còn là vùng “lõm” thông tin trong tương lai không xa.
Hoàng Tâm