Dự án xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang – Lạng Sơn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của tỉnh Lạng Sơn và phát triển kinh tế vùng Đông Bắc; là tuyến huyết mạch trọng yếu, kết nối hành lang kinh tế rất quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như kết nối thị trường Trung Quốc – ASEAN. Đây cũng là 1 trong 7 tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với thủ đô Hà Nội.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt điều chỉnh dự án bao gồm 2 dự án thành phần: dự án thành phần 1 gồm tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn từ Bắc Giang – Chi Lăng (Lạng Sơn) dài 64 km; kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn dài 110 km. Dự án thành phần 2 gồm tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn dài 43km và tỉnh đang quyết tâm sớm hoàn thành tuyến cao tốc này.
Hiện tại Dự án thành phần 1 đã hoàn thành, vận hành khai thác từ tháng 01/2020; Dự án thành phần 2 đã hoàn thành việc bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng, trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư được 8,5/43,6 km (đạt 20%).
Hiện nay, nhà đầu tư đã huy động được vốn chủ sở hữu với số tiền 424 tỷ đồng; giải ngân cho giải phóng mặt bằng 149,7 tỷ đồng, chi phí tư vấn 54,6 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án và chi phí khác 37,2 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình triển khai Dự án thành phần 2 do gặp khó khăn trong thu xếp, huy động nguồn vốn thực hiện, Nhà đầu tư và UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án và được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về việc cân đối vốn cho dự án giai đoạn 2021-2025, giao UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn ngân sách trung ương, chủ động lựa chọn phương án đầu tư phù hợp khả năng huy động nguồn vốn để sớm hoàn thành toàn tuyến cao tốc từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị, đảm bảo kết nối đồng bộ và hiệu quả tài chính.
Đến nay Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương trong giai đoạn 2021-2025 là 2.500 tỷ đồng tại Văn bản số 419/TTg-KTTH ngày 02/4/2021 về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Vì việc điều chỉnh về quy mô đầu tư và cơ cấu nguồn vốn, cụ thể là thay đổi cơ cấu nguồn vốn từ không có sự tham gia của vốn ngân sách nhà nước sang có vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ để đảm bảo quy mô đầu tư và hiệu quả khả thi của dự án. Do vậy cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo quy định hiện hành để có cơ sở triển khai thực hiện.
Ngày 16/5/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có tờ trình và công văn đề xuất tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng với quy mô là 4 làn xe. Tuy nhiên đến ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; trong đó, quy định quy mô đường Cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn là 6 làn xe thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030.
Như vậy, nếu thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với quy mô là 4 làn xe là không còn phù hợp với Quy hoạch được duyệt, do vậy UBND tỉnh phối hợp với nhà đầu tư đề xuất phương án điều chỉnh quy mô tuyến phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 đã được duyệt.
Theo đó, nội dung đề xuất điều chỉnh dự án thành phần 2 được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2021- 2025) gồm việc thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe theo quy hoạch được duyệt; phân kỳ đầu tư đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với quy mô 4 làn xe.
Giai đoạn 2 (thực hiện sau năm 2025) bao gồm hoàn thiện quy mô mặt cắt ngang tuyến cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, chiều dài 43km hoàn thiện 6 làn xe; đầu tư tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam đảm bảo việc kết nối tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự kiến tổng mức đầu tư, nguồn vốn điều chỉnh giai đoạn 1 là 6.648 tỷ đồng trong đó: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.317 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 4.072 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác 407 tỷ đồng; chi phí dự phòng 670 tỷ đồng, chi phí lãi vay 182 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhà nước trong dự án là 3.300 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư và đi vay là 3.348 tỷ đồng.
Phương án triển khai giai đoạn 1 sẽ được tách Dự án thành phần 2 làm 2 tiểu dự án thành phần để thực hiện gồm tiểu dự án thành phần 1, thực hiện theo khoản 1 Điều 72 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; tổng mức đầu tư khoảng 1.317 tỷ đồng; việc quản lý và sử dụng vốn theo quy định pháp luật về đầu tư công.
Tiểu dự án thành phần 2 thực hiện theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 5.331 tỷ đồng, thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 70 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Thời gian thu phí dự kiến khoảng 19 năm 8 tháng từ 2024-2043.
Thái Thuần