Các đại biểu tham quan hiện vật trưng bầy tại bảo tàng Lạng Sơn. Nguồn ảnh: baotanglangson.vn |
Theo Quyền Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Nông Đức Kiên, với thế hệ trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường thì việc tạo không gian văn hóa hấp dẫn và phát huy được tính sáng tạo là rất cần thiết. Căn cứ vào quy mô thiết kế tổng thể thì không gian mở ngoài trời là địa điểm lí tưởng để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi cho học sinh tại bảo tàng như: vẽ tranh, sáng tác văn học, thi tìm hiểu lịch sử…
Ông Nông Đức Kiên cho biết: Bảo tàng tỉnh thường xuyên tổ chức triển lãm, giới thiệu các đề tài chuyên sâu, hấp dẫn nhằm thu hút người xem như: Triển lãm chuyên đề “Miền đất, con người Lạng Sơn cuối thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX”; hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam; triển lãm “Di sản văn hóa các dân tộc Lạng Sơn”… là những “lát cắt” lịch sử, văn hóa sống động giúp mọi người, nhất là thế hệ trẻ có cái nhìn sâu hơn về đời sống, sinh hoạt của cư dân các dân tộc anh em tại xứ Lạng.
Không dừng lại ở việc giới thiệu các triển lãm đơn thuần, công tác giáo dục truyền thống cho học sinh gắn với các chương trình trải nghiệm theo hướng phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cũng được Bảo tàng tỉnh chú trọng. Từ năm 2014, Bảo tàng tỉnh đã tăng cường công tác phối hợp với các trường trên địa bàn tỉnh chiếu các clip, phim về di sản văn hóa lồng ghép với việc tham quan, giới thiệu tại nhà trưng bày của bảo tàng và duy trì vào các dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn trong năm. Đặc biệt, từ năm 2017, Bảo tàng đã mời các nghệ nhân dân gian thực hiện các hoạt động trải nghiệm thực tế, thu hút giới trẻ và tạo cơ hội cho các em học sinh từ lứa tuổi mầm non đến đoàn viên, thanh niên tìm hiểu về văn hóa truyền thống.
Các hoạt động trải nghiệm được các nhà nghiên cứu, nghệ nhân trình diễn và tái hiện sinh động nhằm giúp người xem, đặc biệt là các em nhỏ có dịp tương tác và trải nghiệm thực tế. Mới đây, trong hoạt động trải nghiệm chào mừng kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), các em học sinh không những được tiếp xúc với những đồ vật dân dã của làng quê như: gà đất, đầu sư tử, khung cửi dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Nùng… mà còn được chơi những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: đi cà kheo, đánh sảng, đánh yến, múa sư tử mèo…
Ngoài ra, để đa dạng hóa hoạt động, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn còn mở rộng không gian trưng bày, giới thiệu lịch sử, văn hóa Lạng Sơn đến các huyện vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ công chúng, nhất là giới trẻ thông qua những tụ điểm tuyên truyền lưu động định kỳ hoặc nhân những sự kiện chính trị, xã hội, các ngày lễ được tổ chức hàng năm.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Nguyễn Gia Quyền cho biết: Những tụ điểm tuyên truyền, trưng bày lưu động được coi là hoạt động “vệ tinh” nhằm quảng bá, thu hút mọi người đến với cơ sở chính tại thành phố Lạng Sơn. Hơn nữa, mục tiêu hướng đến của những điểm tuyên truyền trên là để phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho học sinh tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới chưa có điều kiện đến với Bảo tàng.
Quyền Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn, Nông Đức Kiên cho biết thêm: Chương trình giáo dục tại Bảo tàng bước đầu đã tạo được cầu nối đưa kiến thức văn hóa, lịch sử sinh động đến với thế hệ trẻ. Năm 2018, Bảo tàng tỉnh đã thu hút 14.800 lượt khách, trong đó học sinh, sinh viên chiếm trên 90%. Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây dựng những chương trình trải nghiệm thực tế, song song với đó tăng cường hơn nữa các hoạt động hướng về cơ sở, đặc biệt ưu tiên đưa những hoạt động trải nghiệm thực tế đến với các em học sinh.
Ngọc Tùng