Lạng Sơn: Gỡ khó cho các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nâng cao đời sống cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến ba cấp đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 11/7.

vna_potal_lang_son_go_kho_cho_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_7477360.jpg
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn Hứa Thị Hằng báo cáo tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Nhiều “điểm nghẽn”

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn cho biết, dù các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm đã khởi công 258 dự án thuộc 3 Chương trình này và cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, đấu thầu nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất; tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, bình đẳng giới, định hướng giới thiệu việc làm...

Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia gặp nhiều khó khăn. Kết quả thực hiện những dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản có khối lượng thực hiện nhưng kết quả giải ngân chưa cao. Hiện có một trong tổng số 10 dự án thành phần có kết quả thực hiện tốt, tỷ lệ giải ngân trên 30% đó là dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong khi kết quả thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chỉ mới có 2/10 nội dung kết quả thực hiện tốt, giải ngân trên 40%, đó là đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn. Còn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hiện đang rà soát, đánh giá, song dự kiến khó hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/ năm...

vna_potal_lang_son_go_kho_cho_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_7477358.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2024 của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt thấp. Đến hết tháng 6/2024, cả 3 Chương trình này mới giải ngân được 426,2 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được hơn 228 tỷ đồng, đạt trên 22% kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giải ngân được gần 64 tỷ đồng, đạt hơn 22% kế hoạch. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân được trên 134 tỷ đồng, đạt hơn 31% kế hoạch.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn - Hứa Thị Hằng lý giải, có nhiều nguyên nhân song chủ yếu do hệ thống văn bản pháp lý triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia lớn, quá trình giải quyết các mâu thuẫn, vướng mắc từ Trung ương còn chậm, đến nay vẫn có nội dung chưa được giải quyết gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện tại cơ sở. Khả năng tiếp nhận chính sách hỗ trợ của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, một số cơ chế của Trung ương như: Quy định về quay vòng một phần vốn, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị... chưa được người dân quan tâm vì tâm lý e ngại, tư duy, khả năng ứng dụng tiến bộ về khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa thoát khỏi tập quán sản xuất nhỏ lẻ.

Việc rà soát, tổng hợp số liệu đầu kỳ của các cấp, ngành địa phương chưa dự báo chính xác sự biến động trong kỳ kế hoạch (các chỉ tiêu chính về tỷ lệ hộ nghèo, số xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và các chỉ tiêu cụ thể như: diện tích rừng, nhu cầu đào tạo). Một số địa phương quá tập trung vào các mục tiêu chính như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới nhưng chưa chú trọng vào tính bền vững của các chỉ tiêu về thiếu hụt xã hội cơ bản, thu nhập.

Đặc biệt, một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị, năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, năng lực của đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế. Một bộ phận người dân nông thôn chưa thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chưa chủ động tham gia thực hiện các nội dung thuộc về trách nhiệm của người dân và cộng đồng dân cư...

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã phân tích, nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian tới, trong đó chỉ rõ: Phạm vi, đối tượng bị thu hẹp, nhiều dự án, tiểu dự án thành phần không có đối tượng thực hiện và giải ngân đề xuất điều chỉnh giảm vốn sang các dự án thành phần khác... Hiện chưa có cách hiểu thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch vốn và thực hiện huyện thí điểm cơ chế đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18 tháng 1 năm 2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nên các bộ, ngành Trung ương chưa ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện.

vna_potal_lang_son_go_kho_cho_cac_chuong_trinh_muc_tieu_quoc_gia_7477357.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Nguồn vốn sự nghiệp năm 2024 và năm 2022, 2023 kéo dài sang chưa giải ngân còn khá lớn, khoảng 950 tỷ đồng; trong đó, số vốn không có khả năng thực hiện và giải ngân khoảng 364 tỷ đồng, cần sớm rà soát, điều chỉnh sang các nội dung chi khác, do đó khối lượng công việc còn rất lớn. Ngoài ra còn các yếu tố khách quan khác về tình hình dịch bệnh, thiên tai có thể tác động đến việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã tác động lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển. Đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỉ lệ hộ nghèo giảm qua các năm…

Để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong năm và cả giai đoạn, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu, các cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (Ban Dân tộc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) rà soát lại số liệu điều chỉnh kế hoạch vốn sự nghiệp các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 và các năm trước kéo dài sang dự kiến điều chỉnh theo Khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội, đảm bảo triển khai thực hiện ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có điều chỉnh, hoặc dự kiến điều chỉnh kế hoạch vốn, dự toán năm 2024 và các năm trước kéo dài sang theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 khẩn trương rà soát khả năng hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần đúng theo văn bản giao chỉ tiêu, nhiệm vụ của Trung ương, kế hoạch của UBND tỉnh; tham mưu UBND tỉnh báo cáo bộ, ngành chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần cho phép điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ của tỉnh Lạng Sơn.

Lãnh đạo các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc tiến độ, đảm bảo chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy vai trò, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung của dự án, tiểu dự án thành phần sát với thực tế, tính toán phương án giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh..

Vũ Văn Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm