Để phòng tránh nguy cơ đuối nước cho trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, nhiều địa phương tại tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng bể bơi để dạy bơi cho học sinh trong các trường học. Tuy nhiên, mặc dù được trang bị hiện đại, song nhiều hồ bơi lại không được sử dụng, gây lãng phí nguồn lực và không mang lại lợi ích cho học sinh. Trong khi 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai có 40 trẻ tử vong do bị đuối nước, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi học sinh.
Huyện Chư Pưh là một trong những địa phương đã đầu tư xây dựng 7 bể bơi tại các trường học vào các năm 2018 và 2020, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Các hồ bơi thông minh này có diện tích từ 150 - 300 m², được trang bị máy lọc nước, máy bơm nước, giếng nước khoan, mái che, phòng thay đồ… để đảm bảo chất lượng nước và an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Anh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh, hiện chỉ có một số hồ bơi còn sử dụng, còn lại đều bị hư hỏng nặng, không thể sử dụng. Nguyên nhân là do sau khi lắp đặt gặp phải giông bão gây hư hỏng; thiếu nguồn kinh phí để duy trì hoạt động; thiếu nhân lực để vận hành, giám sát; thiếu chương trình và phương pháp dạy bơi cho học sinh...
Một ví dụ điển hình là Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân ở thị trấn Nhơn Hòa. Bể bơi của trường sau khi lắp đặt vào năm 2018 chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi phải dừng do thiếu kinh phí duy trì. Các thiết bị không được kiểm tra và sửa chữa thường xuyên, dẫn đến hỏng hóc, không hoạt động được. Hiện tại, hồ bơi chỉ còn là nơi tích tụ nước mưa.
"Chúng tôi rất tiếc vì không khai thác được hiệu quả từ bể bơi; qua thời gian, bể bơi của trường đã bị hư hỏng. Từ kiến nghị của nhà trường, vừa qua huyện đã cấp kinh phí để làm lại mái che, còn một số hạng mục khác đang trong quá trình khảo sát, xin kinh phí để sửa chữa. Chúng tôi mong có sự quan tâm và hỗ trợ của cấp trên để có thể khôi phục lại hoạt động của bể bơi một cách nhanh chóng nhằm phục vụ cho việc dạy và học" - ông Trịnh Mạnh Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân chia sẻ.
Còn tại Trường Tiểu học Anh Hùng Núp (xã Ia Hrú), bể bơi của trường còn chưa hoạt động ngày nào đã bị hư hỏng hoàn toàn sau một trận giông bão rồi bị bỏ mặc cho nắng mưa, cỏ dại và dây leo bò gần 5 năm nay. Phía trong bể bơi giờ là nơi trú ngụ của ếch nhái, nòng nọc...
Theo thầy Nguyễn Ngọc Linh - giáo viên giáo dục thể chất Trường Tiểu học Anh Hùng Núp, năm 2018, khi biết nhà trường được đầu tư bể bơi, thầy và trò vui mừng lắm. Nhưng đến khi nhận công trình để đưa vào hoạt động thì đúng vào thời điểm bão, gió lốc đã làm sập và hư hỏng hoàn toàn giàn mái che. Từ đó đến nay do không được sửa chữa, sử dụng nên hệ thống bể bơi đã hư hỏng nặng. Bên cạnh đó, giếng nước khoan dùng để bơm nước sử dụng cho bể bơi đục, nhiều bùn, không đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Thuận – Hiệu trưởng nhà trường thông tin thêm, khi thầy về nhận công tác vào năm 2021, bể bơi đã bị hư hỏng. Theo Hiệu trưởng cũ cho biết, việc hư hỏng là do bão số 9 năm 2019 gây ra và cũng đã làm tờ trình báo cáo với Phòng Giáo dục và Đào tạo nhưng kinh phí bố trí sửa chữa thì không biết khi nào có để thực hiện. Trong 2 năm học gần đây, nhà trường vẫn nhận được 18 triệu đồng kinh phí hỗ trợ mua hoá chất để duy trì bể bơi nhưng không dùng đến vì bể bơi đã hư hỏng, cuối năm lại trả cho huyện.
Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện Chư Pưh, năm học 2023 - 2024, huyện cấp kinh phí cho một số trường làm mái che và sửa chữa các bể bơi bị hư hỏng, tuy nhiên không phát huy được hiệu quả do các bể bơi đã trong tình trạng hư hỏng nặng, không thể sử dụng. Việc cấp kinh phí sửa chữa này chỉ như "muối bỏ bể". Thậm chí, có những trường đã có mái che, bể bơi vẫn trong tình trạng hoạt động tốt nhưng không thể khai thác hiệu quả. Ông Trịnh Minh Thông – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huệ, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh cho biết: Bể bơi của nhà trường được xây dựng vào năm 2020 nhưng hoạt động của bể bơi gặp rất nhiều khó khăn từ khi đưa vào hoạt động cho đến nay. Nguyên nhân do thiếu kinh phí, không có giáo viên chuyên trách và chỉ cho các em học sinh bơi vào cuối các tiết học thể dục, không thể tổ chức thành tiết học bơi ngoại khóa cho học sinh. Ngoài ra, kinh phí được huyện cấp cũng chỉ đủ mua hóa chất xử lý nước và chi phí điện; việc xử lý nước, vệ sinh bể bơi phải được thực hiện thường xuyên nếu không chỉ trong 1 tuần đã rêu xanh không thể hoạt động được.
Việc xây dựng các bể bơi tại các trường học có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thể chất và phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh song tại huyện Chư Pưh lại không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí lớn về nguồn lực. Nguyên nhân là do thiếu sự quan tâm và quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền và ngành Giáo dục, dẫn đến các bể bơi bị hư hỏng, không sử dụng được hoặc không khai thác hiệu quả. Trong khi đó, năm học 2022 – 2023, trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 vụ đuối nước thương tâm, khiến 5 học sinh tử vong.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, tính đến tháng 4/2023, toàn tỉnh có hơn 44 ngàn học sinh được tiếp cận với hoạt động bơi trong trường học, con số này rất thấp so với nhu cầu và tiềm năng. Từ thực tế trên cho thấy, địa phương cần có những biện pháp cụ thể và thiết thực để khôi phục lại hoạt động của các bể bơi, tăng cường công tác dạy bơi cho học sinh nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em.
Hoài Nam – Xuân Huy