Phòng học dùng làm nơi chứa giường đã hư hỏng |
Em Y Ví, học sinh lớp 10, Trường THPT Nguyên Du nói: “Khu nội trú xa trường, trong khi nhiều bạn không có phương tiện đi lại nên phải thuê phòng trọ trong thị trấn ở để thuận tiện cho việc học hành và sinh hoạt, giải trí”.
.Khu nội trú xây dựng tại địa điểm vắng vẻ nên không thu hút học sinh đến ở, sinh hoạt… |
Còn theo phụ huynh học sinh, nhiều gia đình không có điều kiện mua phương tiện cho con em đến khu nội trú ở và đi học, nên nhiều em góp lại thuê chung nhà trọ gần trường với giá một phòng từ 400.000 đến 600.000 đồng/tháng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ đối với những gia đình ở các thôn, buôn còn nhiều khó khăn tại huyện miền núi Sông Hinh này.
Theo quan sát của phóng viên, khu nội trú của Trường THPT Nguyễn Du nằm đơn độc trên vùng đất thuộc ngoại ô thị trấn Hai Riêng và cách xa trường hơn 2 cây số nên không thuận tiện cho việc đi lại và nhu cầu sinh hoạt, giải trí cá nhân. Hơn nữa, trước đây đường ra vào khu nội trú rất khó khăn vì bụi và lầy lội. Sau đó, đơn vị chủ quản là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên và Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh cho làm đường bê tông rộng hơn 5 mét, nhưng đến nay khu nội trú vẫn không thể phát huy đúng công năng như thiết kế.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, do khu nội trú xây dựng ở vị trí vắng vẻ, trong khi tâm lý các em học sinh muốn ở gần trường, ngay trung tâm thị trấn có đủ điều kiện sinh hoạt, giải trí.
Tuy khu nội trú chưa có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng nhưng hiện nhiều hạng mục như cửa đi, cửa sổ các phòng, nhà vệ sinh bị hư hỏng, xuống cấp, vật dụng chất ngổn ngang. Do không có người ở và quản lý nên nhếch nhác không khác gì bị bỏ hoang lâu ngày.
“Về trách nhiệm của huyện, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại và tu sửa trong dịp nghỉ hè này để kịp cho học sinh đến ở trong năm học mới 2016-2017. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất ở đây là Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Du phải có kế hoạch quản lý khu nội trú và vận động các em đến ở”, ông Trần Thanh Định nói.