Phong trào hiến máu tình nguyện đã lan tỏa ở các địa phương tại tỉnh Đắk Lắk, thu hút nhiều tình nguyện viên sẵn sàng sẻ chia giọt máu đào, trao niềm hy vọng cho những người có nhu cầu về máu.
Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk, nhằm thực hiện mục tiêu cung cấp máu an toàn đáp ứng nhu cầu công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, ngay từ đầu năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện năm 2022, gắn với việc triển khai Chương trình “Chủ nhật đỏ” tiếp nhận được hơn 2.400 đơn vị máu; tổ chức chương trình “Hành trình đỏ” và ngày hội hiến máu “Giọt hồng Tây Nguyên” năm 2022 tại 4 huyện, thành phố, thu hút hàng ngàn người đăng ký tham gia hiến máu, thu được hơn 2.500 đơn vị máu, đạt 102% so với chỉ tiêu đề ra. 9 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã tổ chức 31 đợt hiến máu, tiếp nhận hơn 14.000 đơn vị máu, đạt 63,9% so với kế hoạch.
Anh Nguyễn Tấn Chờ, tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M’Gar, cho biết, bản thân là tình nguyện viên đã 47 lần tham gia hiến máu, 6 lần hiến tiểu cầu. Nhận thấy hiến máu là nghĩa cử cao đẹp, trách nhiệm không của riêng ai nên anh đã tham gia và vận động người thân, bạn bè cùng chia sẻ những giọt máu của mình vì sự sống của những người bệnh đang rất cần.
Em Phan Tú Uyên (25 tuổi, thị xã Buôn Hồ, là bệnh nhân mắc bệnh Thailassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Gần 11 năm bị bệnh, mỗi tháng em Uyên phải truyền máu 1 lần với 2-3 đơn vị máu (khoảng 300 đơn vị máu, tương đương 75 lít máu trong 11 năm). Nói về sự đáng quý của mỗi giọt máu, em Uyên chia sẻ, nhờ vào dòng máu hiến tặng, em có thêm nghị lực để đấu tranh giành sự sống. Em cảm thấy may mắn và rất biết ơn đến những tấm lòng nhân ái đã sẻ chia giọt máu đào cho những bệnh nhân mắc bệnh như em.
Ông Nguyễn Đức Phú, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác vận động hiến máu tại Đắk Lắk luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Có được kết quả này là do đơn vị đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân. Những năm đầu mới triển khai, người dân còn chưa hiểu đến công tác hiến máu tình nguyện nên vẫn e ngại. Thế nhưng, sau khi được vận động, tuyên truyền, đến nay, người dân đã hiểu và tham gia rất tích cực.
Để công tác hiến máu đạt hiệu quả, đơn vị phối hợp các sở, ban, ngành thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức giúp người dân nắm được kiến thức về hiến máu tình nguyện và an toàn truyền máu.
“Đắk Lắk được đánh giá là một trong mười tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào hiến máu tình nguyện. Để đạt được kết quả này là do người dân đã hiểu được quyền, lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hiến máu tình nguyện. Khi người dân nhận thức được họ sẽ tham gia thường xuyên và vận động thêm người thân cùng hưởng ứng. Từ đó, phong trào gia đình hiến máu tăng lên tạo lan tỏa trong cộng đồng”, ông Nguyễn Đức Phú chia sẻ.
Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk, tại Việt Nam, những người có nhóm máu Rh- thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm (trong 10.000 người có 4-7 người mang nhóm máu Rh-). Tại tỉnh Đắk Lắk, trước nhu cầu cấp cứu, điều trị của bệnh nhân, Ban Chỉ đạo Hiến máu tình nguyện tỉnh đã vận động được khoảng 40 tình nguyện viên có nhóm máu hiếm sinh sống trên địa bàn tham gia thành lập “Câu lạc bộ nhóm máu hiếm”. Theo đó, Câu lạc bộ sẽ được ra mắt và hoạt động vào cuối tháng 10/2022. Ban Chỉ đạo sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm kết nối bệnh nhân với người hiến máu. Khi người bệnh có nhu cầu tiếp nhận máu sẽ được hỗ trợ nhanh và kịp thời nhất.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có Ban Chỉ đạo hiến máu tình nguyện cấp tỉnh; 15 Ban Chỉ đạo hiến máu cấp huyện, thị xã, thành phố; 184 Ban Chỉ đạo hiến máu cấp xã, phường, thị trấn; 8 Câu lạc bộ vận động hiến máu và hiến máu dự bị… Trung bình mỗi năm tỉnh có khoảng 30.000 người đăng ký hiến máu, tiếp nhận hơn 20.000 đơn vị máu.
Nguyên Dung