Theo ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), quy định mới của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT (Thông tư 33) do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành sẽ xử lý hệ quả của quá trình trước đây khi việc quản lý đất đai chưa tính đến vấn đề cá thể hóa quyền sử dụng đất như hiện nay, dẫn đến những tranh chấp không thể giải quyết được trong thực tế.
Ảnh minh họa - TTXVN |
Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh các thành viên có chung quyền sử dụng đất đai, có 17 trường hợp thể hiện thông tin và hộ gia đình là 1 trong 17 trường hợp đó. Về bản chất, Thông tư 33 chỉ điều chỉnh về thể hiện thông tin của các chủ thể, lý do là quản lý đất đai trải qua các thời kỳ khác nhau, phù hợp quy định tại thời điểm đó. Qua các thời kỳ, đã thực hiện ghi tên chủ hộ gia đình trong giấy chứng nhận; thời kỳ mới, thị trường đất đai được mở rộng nên việc chỉ nêu tên chủ hộ gia đình không còn thích ứng.
Trên thực tiễn, việc ghi tên chủ hộ gia đình, giá trị đất đai lên, chính sách thu hồi, đền bù đất có sự thay đổi... nên có tình trạng trong nội bộ các gia đình phát sinh tranh chấp giữa các thành viên. Ví dụ, giấy chứng nhận mang tên chủ hộ hoặc chủ gia đình, thực hiện quyền thế chấp, bắt buộc các tổ chức tín dụng phát mãi tài sản..., làm nảy sinh các khiếu nại giữa các thành viên; lý do các thành viên sẽ khiếu nại đây là quyền sử dụng đất chung, gây khó khăn cho các cơ quan thi hành án.
Trường hợp khác, khi Nhà nước thực hiện dự án phát triển, thu hồi đất, các thành viên có người có quyền, người không, không xác định rõ ràng thành viên nào có quyền nhằm đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ đền bù. Do vậy, quy định nêu trên của Thông tư 33 sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
“Quy định này cũng không đặt thêm thủ tục hành chính khi thực hiện các quyền của hộ gia đình sử dụng đất như một số ý kiến đã nêu mà đảm bảo sự phù hợp với quy định của pháp luật về dân sự. Khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản là tài sản chung của gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”- Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai Mai Văn Phấn nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, ông Bùi Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Luật sư Trương Thanh Đức - Hội Luật gia Hà Nội đã giải thích cụ thể, đối với Thông tư 33, người nào có tên trong giấy chứng nhận sẽ phải ký tên trong giao dịch, mua bán. Thông tư này là hướng dẫn để thực hiện Nghị định của Chính phủ, bản chất là không khác với Thông tư 23 lần trước, chỉ khác là đối với cá nhân có thêm thông tin căn cứ và chứng minh thư. Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể hơn tinh thần của Luật Đất đai 2013. Quy định này chỉ áp dụng với chuyển nhượng quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình mà trong đó con là thành viên. Trường hợp này khác với cấp đất cho cá nhân.
Hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai là một chủ thể trong các chủ thể được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những trường hợp cấp giấy chứng nhận mang tên hộ gia đình phải đảm bảo các yếu tố có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng; cùng sống chung và có tài sản đóng góp, công sức đóng góp chung vào hình thành nên tài sản đó.
Bên cạnh đó, hai chuyên gia cũng nhận định, thành phố Hà Nội đang xây dựng hạ tầng thành phố thông minh, Thông tư 33 sẽ là bước chuyển trong thực hiện chính quyền điện tử. Khi dữ liệu dân cư được chia sẻ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ trở nên thuận tiện và đơn giản hơn.
Diệu Thúy