Học sinh phải thường xuyên trao đổi, rèn luyện kỹ năng thực hành Tiếng Việt |
Em Nguyễn Thanh Hằng, học sinh Trường THPT Gia Nghĩa (huyện Gia Nghĩa - Đắk Nông) chia sẻ, trước đây, mỗi khi nhắn tin cho bạn bè trên điện thoại hay mạng xã hội, em vẫn viết câu, chữ đầy đủ. Thế nhưng, nhiều bạn bè lại cho rằng như vậy là “quê”, không sành điệu, nên dần dần, em thay đổi cách viết theo các bạn và trở thành thói quen. Một số học sinh khác cũng cho rằng, sử dụng ngôn ngữ “chat” giúp tiết kiệm thời gian do rút ngắn bớt các từ và còn là cách để thể hiện cá tính riêng. Nếu bạn nào không sử dụng thì bị coi là “lỗi thời, lạc hậu, không sành điệu”.
Chị Phạm Ngọc Hoa, một phụ huynh ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) kể rằng, chị rất lo lắng khi phải thường xuyên nghe và chấn chỉnh cách phát âm sai của con theo kiểu “mẹ ui”, “trùi ui”, “bít rùi”... Nhiều lúc, chị nghe con nói chuyện với bạn bè mà không thể hiểu con mình nói gì. Thậm chí, khi nhắn tin với chị, con gái chị cũng dùng rất nhiều ký hiệu lạ kèm theo số, chữ viết hoa làm chị hoa cả mắt. Chẳng hạn như: “Mẹ ui, hum n4y kon ko zia, k0n fai 0 l4j h0k th3m” (Mẹ ơi, hôm nay con không về, con phải ở lại học thêm”. Nhiều lúc, chị phải thốt lên: “Đến người Việt giờ cũng không hiểu nổi Tiếng Việt của giới trẻ”.
Trao đổi vấn đề này với nhiều bà mẹ có con cùng trang lứa, chị Hoa nhận thấy hầu hết đều có chung lo lắng này. Một số phụ huynh còn chia sẻ, thỉnh thoảng, họ có xem những dòng tâm sự của con cái trên trang mạng xã hội nhưng không thể biết được con mình viết gì vì từ trên xuống dưới nhìn như “ma trận” ngôn ngữ.
GÂY HỆ QUẢ TIÊU CỰC
Từ thói quen sử dụng ngôn ngữ “chat” để nhắn tin hay trao đổi thông tin trên mạng xã hội, nhiều học sinh còn sử dụng khi chép bài học. Thậm chí, ngôn ngữ này còn được sử dụng trong các bài kiểm tra. Những từ được sử dụng nhiều như: “ah” (à), “ko” (không), “bit” (biết), “of” (của), “thik” (thích), “wa” (quá), “bih” (bây giờ), “wy” (tại sao)…
Một số giáo viên trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa cho biết, nhiều khi đọc bài kiểm tra của học sinh mà không hiểu nổi các em đang viết gì vì sử dụng quá nhiều ngôn ngữ ký tự, ký hiệu. Đơn cử như tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhiều học sinh lại viết thành “Vk ck A Phủ”. Khi được hỏi, các em đều trả lời đó là cách viết tắt trong khi giao tiếp với nhau trên điện thoại và mạng xã hội. Còn tại sao được viết tắt là “vk” và “ck” như vậy thì các em đều lắc đầu không biết.
Cô Nguyễn Thị Loan, một giáo viên dạy văn chia sẻ: “Ngôn ngữ giao tiếp của các em hiện nay muôn màu, muôn vẻ lắm. Chỉ trong một bài kiểm tra, một số học sinh viết chữ “biết” theo nhiều cách khác nhau như: “bit”, “bjt”, “bik”, “bjx”. Nhiều lúc, đọc bài kiểm tra của học sinh, giáo viên phải vừa đọc, vừa đoán”.
Cũng theo một số giáo viên thì việc lạm dụng ngôn ngữ “chat” trong học tập trong một thời gian dài có thể gây ra những hệ quả tiêu cực, khiến cho học sinh quên đi cách sử dụng từ ngữ theo đúng chuẩn mực, gây trở ngại trong quá trình giao tiếp. Bên cạnh đó, khi thường xuyên sử dụng ngôn ngữ này một cách bừa bãi có thể ít nhiều ảnh hưởng tới sự phát triển tính cách của học sinh như tính tùy tiện, hời hợt, cẩu thả…
CẦN NHẮC NHỞ, ĐIỀU CHỈNH
Có thể nói, giới trẻ ngày nay đang sống trong một xã hội hiện đại với nhịp sống hối hả, năng động. Việc một bộ phận giới trẻ có những sáng tạo riêng khi sử dụng ngôn ngữ trong quá trình giao tiếp để việc giao tiếp sinh động hơn cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù vậy, tình trạng giới trẻ sử dụng tiếng lóng tràn lan, mọi lúc, mọi nơi, không phù hợp với hoàn cảnh và môi trường giao tiếp là vấn đề cần được quan tâm, chấn chỉnh.
Theo đó, trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày, nhà trường và gia đình cần nhắc nhở, điều chỉnh khi giới trẻ lạm dụng ngôn ngữ “chat” trong quá trình giao tiếp. Đặc biệt, các bạn trẻ cần phân biệt rõ giới hạn, không lạm dụng ngôn ngữ “chat” trong giao tiếp, đồng thời, phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng thực hành Tiếng Việt trong học tập cũng như cuộc sống.
Bài
Báo Đắk Nông