Cánh rừng bị hạ độc bị bao quanh bởi đám nương rẫy của nhiều cá nhân thuộc huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Quốc Hùng- Đặng Tuấn/TTXVN |
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh phạm vi, ranh giới, diện tích đất lâm nghiệp, phân loại rừng theo chức năng và giao Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện Lâm Hà quản lý. Tổng diện tích được giao khoán là 34.132,8 ha, trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn trên 9.800 ha, đất rừng sản xuất 24.317 ha, đất ngoài lâm nghiệp 4,1 ha. Vị trí, ranh giới quản lý gồm 60 tiểu khu thuộc địa giới hành chính 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan bàn giao ranh giới, diện tích đất, rừng nêu trên để Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, chỉ đạo đo đạc, cắm mốc ranh giới theo phạm vi, ranh giới, đất điều chỉnh theo quyết định này để bàn giao mốc giới trên thực địa cho Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, UBND huyện Lâm Hà quản lý. Tỉnh điều chỉnh, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, điều chỉnh hồ sơ địa chính đối với diện tích đất, rừng giao Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà… Tỉnh cũng giao Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất, rừng được giao trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để tổ chức thực hiện… Cùng với đó là giao UBND huyện Lâm Hà phối hợp với các sở, ngành, đơn vị trong việc xác định phạm vi, ranh giới, diện tích đất, rừng; chỉ đạo tiếp nhận và giao các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng diện tích đất đưa ra ngoài đất lâm nghiệp… Đáng chú ý, Quyết định số 1004 của UBND tỉnh nêu rõ: Các quyết định, văn bản của UBND tỉnh trước đây ban hành về ranh giới, diện tích đất giao Ban quản lý rừng Nam Ban, Ban quản lý rừng Lán Tranh (2 đơn vị đã hợp nhất thành Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà) trái với Quyết định này hết hiệu lực kể từ ngày 7/5/2019. Trong nhiều năm gần đây, trên địa bàn huyện Lâm Hà đã liên tục xảy ra các vụ việc hủy hoại rừng của nhà nước, rừng đã giao cho các tổ chức để chiếm đất vì mục đích tư lợi. Nguyên nhân chủ yếu là do sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương; không xác định rõ ràng ranh giới giữa đất lâm nghiệp và đất sản xuất; chính quyền địa phương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân chồng lấn lên đất lâm nghiệp… Từ đó nhiều đối tượng (trong đó có cả cán bộ công chức) lợi dụng để lấn chiếm đất, rừng, chuyển nhượng trái phép vì mục đích tư lợi cá nhân. Ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về việc yêu cầu kiểm tra, xử lý và báo cáo thông tin vụ việc hàng ngàn cây thông bị đầu độc chết ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đông mà Thông Tấn Xã Việt Nam đã đăng tải trong những ngày qua. Đến ngày 9/5, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đoàn công tác với thành phần gồm lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh xuống địa bàn xảy ra vụ việc trên.
Chu Quốc Hùng