Chăm sóc tằm ăn rỗi. Nguồn ảnh: baolamdong.vn |
Có thời điểm, nghề truyền thống dâu tằm ở đây tưởng chừng như “chấm hết”, diện tích liên tục giảm. Cụ thể, năm 1995 diện tích dâu toàn tỉnh khoảng 9.700 ha, thì năm 2000 giảm xuống chỉ còn 3.600 ha. Đến nay, diện tích dâu tằm toàn tỉnh đã tăng lên 5.000 ha gần với khoảng 15.800 hộ trồng dâu nuôi tằm tập trung chủ yếu tại một số địa bàn trọng điểm như: Lâm Hà; Đức Trọng, Đạ Tẻh và thành phố Bảo Lộc, với các giống chủ lực như S7-CB; VA-201; THB-03; B5...
Đây là những giống dâu mới lai tạo có ưu điểm lá lớn, năng suất cao và khả năng kháng bệnh tốt. Nhờ thuận lợi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên trong thời gian qua, diện tích và sản lượng dâu tăng nhanh. Sản lượng kén tằm toàn tỉnh đạt gần 8.700 tấn/năm và khoảng 1.000-1.100 tấn tơ/năm; năng suất kén tằm đạt bình quân 45-50 kg/hộp trứng; 1 ha dâu tằm cho sản lượng kén 1.500-1.600 kg/ha.
Lâm Đồng đã áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các biện pháp thâm canh trong sản xuất, chú trọng tiếp cận và sử dụng có hiệu quả về giống cũng như công nghệ nuôi tằm con tập trung; đồng thời cải tiến công nghệ sản xuất tơ tằm... nên chất lượng và sản lượng dâu tằm, tơ tằm tăng cao; qua đó giải quyết việc làm và nguồn thu nhập cho hàng ngàn lao động địa phương.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, vài ba năm trở lại đây, thị trường tơ lụa xuất khẩu tương đối ổn định về giá cả và sản lượng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ...
Việc thu mua thông qua thương lái và tư thương nên việc thu mua kén có phần thuận lợi; người sản xuất kén tằm bán lại cho đơn vị cung ứng giống tằm và cơ sở ươm tơ tại Lâm Hà và Di Linh và Bảo Lộc. Toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở ươm tơ; trong đó, thành phố Bảo Lộc có 15 cơ sở ươm tơ, huyện Lâm Hà có 11 cơ sở ươm tơ với 1 cơ sở ươm tơ tự động...
Khảo sát tại huyện Lâm Hà – nơi có diện tích trồng dâu lớn nhất tỉnh với 1.950 ha. Nhiều hộ nông dân ở các xã Đông Thanh, Tân Văn, thị trấn Nam Ban đang đẩy mạnh việc chuyển đổi một phần diện tích cây trồng khác (lúa, cà phê) kém hiệu quả sang trồng dâu. Gia đình ông Hoàng Văn Phụng, ngụ thôn Tân Tiến, xã Tân Văn, Lâm Hà đang trồng 3.000m2 dâu đáp ứng cho việc nuôi 3 hộp tằm/ lứa.
Theo ông Phụng, cứ khoảng 20 ngày là hái được một lứa dâu, với hai lao động chính ước tính hàng năm gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ ứng dụng chuyển giao giống dâu cao sản, ứng dụng kỹ thuật mới nuôi tằm trên sàn mà sản lượng kén tằm tăng lên rõ rệt.
Thêm một tín hiệu vui cho nông dân là giá kén tằm đang được thu mua với mức từ 170.000-175.000 đồng/kg, cao nhất trong 15 năm qua. Với giá kén hiện tại, nghề trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân đang mở rộng diện tích trồng dâu và với những giống mới.
Được biết, kế hoạch phát triển của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 sẽ đạt 6.200 - 6.500 ha dâu; đồng thời, đưa vào sản xuất các giống dâu, giống tằm mới có năng suất cao, thay thế các giống cũ gắn với xây dựng thương hiệu tằm tơ Bảo Lộc - Lâm Đồng. Cùng đó, việc hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng giúp người nông dân yên tâm, ổn định sản xuất; từng bước nâng cao giá trị sản phẩm tơ tằm của địa phương.
Đặng Tuấn