Kết hợp du lịch, anh Trần Thành Long ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông hướng dẫn khách tham quan tìm hiểu về loài ong mật hút hương tràm. Ảnh: Chương Đài – TTXVN |
Cụ thể, theo Quyết định số 606/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt hỗ trợ Dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mật ong, tỉnh sẽ hỗ trợ 1,199 tỷ đồng trong tổng giá trị dự án gần 2,3 tỷ đồng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn mật ong Thái Dương, với thời gian thực hiện trong năm 2019 đến 2020. Phần còn lại do Công ty Trách nhiệm hữu hạn mật ong Thái Dương và các hộ dân tham gia dự án đối ứng. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm từ ong mật của Công ty Thái Dương và các hộ nuôi ong ở địa bàn huyện Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc.
Mục tiêu cụ thể dự án đặt ra đến năm 2019, Công ty Thái Dương ký kết liên kết với 20 hộ nuôi ong, quy mô đạt 2.125 đàn ong với tổng sản lượng đạt 24 tấn sản phẩm vào năm 2019. Đến năm 2020, nâng lên 40 hộ tham gia chuỗi liên kết với sản lượng đạt 48 tấn/năm, phát triển lên trên 4.000 đàn ong.
Tại dự án này, phần kinh phí từ ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% cho nội dung tư vấn liên kết xây dựng; hỗ trợ 30% mua sắm và lắp đặt các trang thiết bị như máy hạ thủy phần mật ong, máy in date phun băng tải, máy lọc mật, máy chiết rót; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn 2 lớp về cách thức thực hiện chuỗi giá trị, nâng cao khả năng nắm bắt thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; hỗ trợ 70% kinh phí mua ong giống, mua bao bì đóng gói sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ 40% chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi…
Anh Trần Thành Long đang dán bao bì, nhãn mác cho sản phẩm mật ong hương tràm. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Trong vài năm gần đây, nghề nuôi ong bắt đầu phát triển mạnh tại Lâm Đồng nhờ tận dụng các thế mạnh về điều kiện tự nhiên, nhất là lợi thế của các vùng sản xuất hoa. Vùng phát triển nghề ong chủ yếu ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, nay mở rộng ra vùng Di Linh và thành phố Bảo Lộc. Chỉ tính riêng khu vực Đức Trọng và Lâm Hà, đã có trên 1.000 hộ nuôi ong để lấy mật, lấy sữa ong chúa.
Tuy nhiên, do hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa xây dựng được các chuỗi liên kết giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ, nên sản phẩm của các hộ chăn nuôi bị tư thương ép giá. Thậm chí đã xảy ra tình trạng các sản phẩm từ Trung Quốc trà trộn vào, gắn mác sản phẩm của Đà Lạt, gây thiệt hại cho những người sản xuất.
Dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mật ong của tỉnh Lâm Đồng sẽ hình thành liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm ong mật, đảm bảo tính bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế của các hộ nuôi ong trên địa bàn.
Chu Quốc Hùng