Lâm Đồng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số

Lâm Đồng hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 25/7, ông Trần Văn Sơn, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 97/2022/NQ-HĐND về quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách địa phương đảm bảo.

Nghị quyết nói trên có hiệu lực kể từ ngày 18/7/2022, thay thế Nghị quyết số 65/2017/NQ-HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, có 4 nhóm đối tượng được ngân sách của tỉnh hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế ngoài mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí của quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế là 30%. Người Kinh thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chí của quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế là 40%. Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình theo tiêu chí của quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế là 50%. Học sinh, sinh viên là người đồng bào dân tộc thiểu số không sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế là 70%.

Ngoài ra, nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét bố trí ngân sách của địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người tham gia và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã, thôn mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và Quyết định số 612/QĐ-UBDT chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm y tế.

Được biết, từ năm 2022 trở đi, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ giảm trên 119.000 người (trong đó có trên 100.000 người dân tộc thiểu số và trên 19.000 người Kinh) không được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế.

Trong những tháng cuối năm 2022, các sở, ngành, cơ quan liên quan của tỉnh sẽ đề xuất các giải pháp huy động và sử dụng nguồn kinh phí tài trợ để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các đơn vị sử dụng lao động; thường xuyên theo dõi, phân loại đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp để có kế hoạch đôn đốc, thu hồi nợ kịp thời.

Ngoài ra, các ngành, cơ quan liên quan của tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong quá trình triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám sát việc đảm bảo quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh; tăng cường công tác giám định bằng nhiều hình thức; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất sẽ được tăng cường đối với các đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên, các đơn vị trốn đóng, không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các cơ sở có chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao bất thường; lập hồ sơ các đơn vị sử dụng lao động vi phạm để tiến hành kiến nghị khởi tố.

Đặng Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm