Trồng cây atiso góp phần xóa đói giảm nghèo. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN |
Qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đến thời điểm này, Lâm Đồng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,19% xuống còn 2,85%. Từ trên 15.900 hộ nghèo, đến thời điểm này tỉnh chỉ còn hơn 9.000 hộ, trong đó có trên 6.000 hộ người dân tộc thiểu số. Các địa phương có mức giảm nghèo cao nhất trong 3 năm qua là thành phố Đà Lạt; các huyện Cát Tiên, Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương. Kết quả giảm nghèo trong năm 2018 được đánh giá là bền vững nhất của giai đoạn, với 3.895 hộ thoát nghèo, đồng thời có 762 hộ phát sinh nghèo và 51 hộ tái nghèo. Như vậy, cứ khoảng 5 hộ thoát nghèo, có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh cũng không còn tình trạng gia đình người có công với cách mạng nằm trong diện hộ nghèo. Từ nay đến năm 2020, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,9%, trong đó, tỷ lệ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số 4,8%. Đến năm 2020, phấn đấu đưa huyện Đam Rông thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ; không còn xã nào có trên 15% hộ nghèo, riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn xã có trên 20% hộ nghèo; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo trong tỉnh đến cuối năm 2020 tăng 1,5 lần so với 2015; mỗi năm có ít nhất 20% hộ gia đình nghèo, cận nghèo giam gia dự án thoát nghèo… Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, các cơ quan đơn vị, địa phương trong tỉnh cần rà soát, đánh giá lại xem còn những công việc gì, lĩnh vực nào cần tập trung thực hiện trong các năm 2019 - 2020 để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, cần xây dựng thành một đề án với các nhiệm vụ cụ thể, làm cơ sở đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh tới đây. Mục tiêu đưa tỉnh Lâm Đồng phấn đấu thực hiện đạt loại khá và nằm trong tốp trên của toàn quốc trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.
Chu Quốc Hùng