Ngày 20/11, báo cáo sơ kết công bố tại hội nghị giữa nhiệm kỳ về thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 3/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về Phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cho biết chỉ từ năm 2021 đến 20/8/2023, Lai Châu đã trồng mới được 6.969 ha rừng.
Báo cáo sơ kết Nghị quyết do Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương nêu rõ, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết cấp tỉnh, cấp huyện. Nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh tập trung quản lý bảo vệ tốt 457.472,8 ha rừng hiện có (không tính diện tích cây cao su) gắn với cung ứng dịch vụ môi trường rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,87%, tăng bình quân 0,49%/năm.
Toàn tỉnh có 8 nhà đầu tư vào nghiên cứu lập dự án về đầu tư chế biến lâm sản, trong đó có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông, lâm sản (chế biến thức ăn gia súc và tinh dầu quế), 4 cơ sở chế biến tinh dầu quế do nhân dân tự đầu tư.
Từ năm 2021 đến 20/8/2023, Lai Châu trồng rừng mới 6.969 ha. Toàn tỉnh chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm (2021-2022) trên 976,7 tỷ đồng; kế hoạch năm 2023 dự kiến chi trả hơn 456,9 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến nay, Lai Châu phát hiện, xử lý 658 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; tạm giữ, tịch thu 349 m3 gỗ tròn, 144 m3 gỗ xẻ, 569 cá thể động vật và trên 365 triệu đồng giá trị lâm sản ngoài gỗ; thu nộp ngân sách trên 7,5 tỷ đồng.
Thời gian tới, Lai Châu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết; tiếp tục thực hiện những chỉ tiêu đã đạt, vượt; rà soát các quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, làm cơ sở tích hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Tỉnh đưa ra 5 giải pháp thực hiện gồm: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai quyết liệt việc thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; điều chỉnh, cơ cấu lại những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể giữa các huyện, đa dạng loài cây trồng cho phù hợp với khả năng và nhu cầu phát triển của nhân dân và doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về đất đai, quy trình thủ tục chấp thuận đầu tư; đẩy mạnh, hoàn thành công tác giao đất, giao rừng cho các Ban quản lý rừng phòng hộ, cắm mốc ranh giới rừng khi đủ điều kiện; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, trồng dặm, bổ sung, bảo vệ rừng trồng nhằm tăng tỷ lệ rừng trồng thành rừng.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận đưa ra các giải pháp, bài học rút ra để thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra giải pháp: Tăng cường rà soát, thẩm định nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư đo đạc địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của ngành trong xử lý những hạn chế, vướng mắc về đất đai; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trên cơ sở khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Đất đai và các luật khác có liên quan...
Lãnh đạo huyện Mường Tè đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững gắn với phát triển dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện Mường Tè như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng; đẩy mạnh phát triển dược liệu dưới tán rừng.
Kết luận hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ đề nghị cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục lãnh đạo, quán triệt triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng; rà soát, điều chỉnh những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể theo hướng linh hoạt, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, nhu cầu, khả năng thực hiện của từng địa phương; chỉ đạo quyết liệt công tác trồng rừng tạo vùng nguyên liệu tập trung, nhất là trồng cây gỗ lớn gắn với công nghiệp sản xuất; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quan tâm kiện toàn, củng cố Ban Quản lý rừng phòng hộ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia lĩnh vực lâm nghiệp.
Việt Hoàng