Lai Châu triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Tại Km 41+800, tỉnh lộ 129, thuộc địa phận bản Nà Kế, xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ đã xảy ra sạt lở lớn taluy âm. Đến đầu giờ chiều 5/8/2023, đã lún sụt 1/2 nền đường, dài khoảng 60m và có nguy cơ mất 1/2 đường, gây gián đoạn giao thông từ thành phố Lai Châu
Tại Km 41+800, tỉnh lộ 129, thuộc địa phận bản Nà Kế, xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ đã xảy ra sạt lở lớn taluy âm. Đến đầu giờ chiều 5/8/2023, đã lún sụt 1/2 nền đường, dài khoảng 60m và có nguy cơ mất 1/2 đường, gây gián đoạn giao thông từ thành phố Lai Châu

Từ ngày 4 - 8/8, địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra mưa to trên diện rộng, gây lũ quét, sạt lở đất làm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình cơ sở hạ tầng tại một số địa phương.

Lai Châu triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ảnh 1Tại Km 41+800, tỉnh lộ 129, thuộc địa phận bản Nà Kế, xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ đã xảy ra sạt lở lớn taluy âm. Đến đầu giờ chiều 5/8/2023, đã lún sụt 1/2 nền đường, dài khoảng 60m và có nguy cơ mất 1/2 đường, gây gián đoạn giao thông từ thành phố Lai Châu đến huyện Sìn Hồ. Trong ảnh: Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu và Sở Giao thông vận tải tỉnh có mặt tại hiện trường để khảo sát thực trạng, tìm phương án khắc phục đảm bảo giao thông nhanh nhất. Ảnh: TTXVN phát

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lai Châu, trong những ngày tới, tỉnh Lai Châu tiếp tục có mưa cục bộ, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực vùng trũng, thấp. UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả của thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác tuyên truyền để người dân cảnh giác, nâng cao ý thức bảo vệ tính mạng và tài sản; hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất; thông báo đến người dân trong thời gian cao điểm mưa lũ không đánh bắt cá, vớt củi trên lòng sông, suối, lòng hồ, không ở lại lán nương...

Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm dân cư để tổ chức di dời, sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét; bố trí lực lượng sẵn sàng di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Đối với điểm dân cư bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, tỉnh yêu cầu UBND huyện Sìn Hồ chỉ đạo UBND xã Nậm Cuổi và các đơn vị liên quan triển khai lực lượng túc trực 24/24 giờ; chuẩn bị sẵn phương án sơ tán tạm thời cho nhân dân nếu xảy ra tình huống nguy hiểm; tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng sơ tán theo yêu cầu của lực lượng chức năng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Sìn Hồ kiểm tra, rà soát các hạng mục thuộc Dự án sắp xếp bố trí dân cư tập trung ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao điểm bản Hua Cuổi, xã Nậm Cuổi, sớm hoàn thành dự án đảm bảo yêu cầu để triển khai phương án sắp xếp dân cư theo kế hoạch.

Các ngành, địa phương tập trung khắc phục nhanh các tuyến đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường liên xã; tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; cắm biển cảnh báo, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Đồng thời, chủ động, thường xuyên theo dõi diễn biến hiện trạng điểm sạt lở và tổ chức phân luồng giao thông; tổ chức kiểm tra, khơi thông bùn, rác thải, đảm bảo tiêu thoát nước tại vị trí rãnh, cống thoát nước dọc, ngang đường, tránh trường hợp không xử lý kịp thời để phá vỡ kết cấu nền, mặt đường...

Ngoài ra, các địa phương khẩn trương thống kê, xác minh thiệt hại do thiên tai gây ra; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội theo quy định đối với người dân bị ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ; huy động các lực lượng, các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Những ngày qua, mưa lũ, sạt lở đất gây thiệt hại nặng ở tỉnh Lai Châu. Theo đó, toàn tỉnh có 4 người chết, 2 người mất tích, 4 người bị thương; có 220 ngôi nhà ở bị ảnh hưởng, trong đó 135 nhà bị thiệt hại nặng, cần phải sơ tán khẩn cấp. Mưa lũ đã làm ảnh hưởng, thiệt hại 187,43ha cây trồng các loại, trên 3ha nuôi trồng thủy sản và gia súc của nhân dân.

Về công trình giao thông, mưa lũ làm sụt lún, sạt lở 114 điểm trên 60 tuyến đường (5 đường Quốc lộ, 5 đường tỉnh, 55 tuyến đường xã, liên xã) với tổng khối lượng đất đá sạt lở khoảng 160.000 mét khối. Về thủy lợi, bị hư hỏng 26 công trình, một công trình kè tại các huyện Than Uyên, Nậm Nhùn, Sìn Hồ và 9 công trình khác ở thành phố Lai Châu, huyện Sìn Hồ, Tân Uyên, Than Uyên. Ước giá trị thiệt hại trên 80 tỷ đồng.

Việt Hoàng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm