Hiện nay, thời tiết Lai Châu đang trong thời điểm giao mùa với diễn biến phức tạp, nắng, nóng khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng, dông, lốc, mưa đá, sét luôn tiềm ẩn ở mức cao. Để chủ động các biện pháp trong quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND tỉnh Lai Châu vừa ban hành công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; ứng phó dông, lốc, sét, mưa đá.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra 22 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, cháy cây trồng chưa thành rừng tại các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ, Nậm Nhùn, cháy trảng cỏ ở các huyện Than Uyên, Mường Tè.
Do vậy, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Lai Châu tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh theo nghị định, thông tư của Trung ương về phòng cháy và chữa cháy rừng; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các huyện, thành phố trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; huy động lực lượng, phương tiện tăng cường cho các địa phương khi có tình huống trong phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo giải quyết hậu quả do cháy rừng gây ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ rừng trong từng cộng đồng dân cư. Kiểm tra, hướng dẫn các Ban Quản lý rừng phòng hộ, cộng đồng dân cư và các chủ rừng thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh tăng cường tối đa lực lượng, bám sát địa bàn, trực phòng cháy, chữa cháy rừng; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đôn đốc UBND các huyện, thành phố khẩn trương lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch giao rừng cho các tổ chức là Ban Quản lý rừng phòng hộ. Đối với các diện tích rừng do UBND cấp xã quản lý, chủ động phối hợp với UBND cấp huyện xây dựng lộ trình, kế hoạch đảm bảo việc giao rừng, cho thuê rừng hiệu quả, đúng với các quy định của pháp luật, thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất.
Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an cấp huyện, xã tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương để kiểm tra, đôn đốc địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy chứa cháy rừng; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện, đặc biệt là lực lượng dân quân tự vệ địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng tuần tra canh gác lửa rừng vào thời điểm có nguy cơ cháy cao; chuẩn bị phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện, hậu cần, dụng cụ chữa cháy sẵn sàng hỗ trợ địa phương, cơ sở khi có cháy rừng xảy ra.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng, các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở và chủ rừng tăng cường công tác tuần tra rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi khai thác gỗ, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới; tổ chức tuần tra trinh sát, phát hiện sớm các đám cháy tại khu vực biên giới thuộc địa phận tỉnh Lai Châu để có phương án ngăn ngừa các đám cháy thuộc địa phận Trung Quốc có nguy cơ cháy lan sang các huyện biên giới của tỉnh Lai Châu.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp cấp bách quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Vận động cá nhân, hộ gia đình thông báo thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã, đơn vị chủ rừng và kiểm lâm địa bàn biết để theo dõi, hướng dẫn và kiểm soát phòng cháy rừng; tổ chức tuần tra tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Cùng đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng, mua, bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng không đúng quy định pháp luật. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra cháy rừng, phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn do buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo.
Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có 487.000 ha rừng (rừng tự nhiên 449.826 ha; rừng trồng 24.229 ha; diện tích cây cao su 12.945 ha); trong đó, có hơn 161.000 ha rừng thuộc vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra cháy rừng cao và rất cao. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 51,7%. Thời gian qua, việc bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng.
Năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức họp tuyên truyền về nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, hộ gia đình trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tới hơn 1.000 lượt thôn, bản, trường học với hơn 88.000 lượt người dân, học sinh tham gia; ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đến 25.456 lượt hộ gia đình.
Việt Hoàng