Huyện Sìn Hồ (Lai Châu) dựa vào lợi thế khí hậu mát mẻ nên tập trung phát triển cây dược liệu. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Giàng A Tính cho biết, để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tỉnh khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hình thức liên kết hợp tác, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn gắn với hợp tác xã và doanh nghiệp. Từ đó, tạo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ mà nòng cốt là hợp tác xã và doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế trên thị trường. Tại huyện Tam Đường, với lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu và gần với điểm du lịch Sa Pa (Lào Cai) nên tỉnh Lai Châu đã tập trung đầu tư phát triển du lịch và khuyến khích các doanh nghiệp kết hợp với người dân trồng, phát triển chè chất lượng cao. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường phối hợp xã Bản Bo, cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, vận động bà con trồng, phát triển chè chất lượng cao Kim Tuyên. Hiện nay, xã Bản Bo có 500ha chè; trong đó, trên 200ha chè kinh doanh với trên 1.000 hộ tham gia. Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định cho người dân.
Chè Kim Tuyên trồng ở xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu) cho giá trị kinh tế cao hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Huyện Than Uyên có lợi thế về đất đai, tài nguyên và vị trí nằm Quốc lộ 32, 279 với cánh đồng Mường Than rộng lớn, tiềm năng phát triển thủy điện, du lịch… Huyện Than Uyên tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng; trong đó ưu tiên sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, khai thác tiềm năng mặt hồ thủy điện, chăn nuôi gia súc. Huyện Than Uyên đã huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Đến nay, huyện Than Uyên đã hình thành 5 vùng kinh tế trọng điểm, đời sống của người dân dần được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo huyện giảm còn 16,43%. Ông Vương Thế Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, huyện đã đầu tư, hỗ trợ, quy hoạch cánh đồng mẫu lớn sản xuất tập trung; rau quả an toàn, cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, đậu tương); sản xuất chè chất lượng cao. Vùng kinh tế phía Tây với 3 xã: Pha Mu, Tà Hừa, Mường Mít tập trung phát triển kinh tế nông, lâm ngư nghiệp, sinh thái gắn với hồ thủy điện Bản Chát. Những xã vùng thấp của huyện, ưu tiên phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, phát triển sản xuất nông nghiệp (ruộng bậc thang) nhằm khai thác lợi thế của từng địa bàn. Riêng với các xã vùng cao, huyện tập trung thực hiện hỗ trợ khai hoang ruộng bậc thang song song với đó phát huy lợi thế đồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Vùng trung tâm huyện, phát triển thương mại - dịch vụ gắn du lịch, tiểu thủ công nghiệp.
Chè Kim Tuyên trồng ở xã Bản Bo, huyện Tam Đường (Lai Châu) cho giá trị kinh tế cao hơn 150 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Vùng kinh tế động lực với các xã dọc quốc lộ 32, 4D, tỉnh Lai Châu chỉ đạo ngành chức năng, địa phương tập trung chuyển đổi diện tích hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; hình thành, mở rộng phát triển vùng sản xuất tập trung như: lúa, chè, quế, mắc ca; phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Đối với vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà, tỉnh Lai Châu tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế gắn với ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân vùng tái định cư công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu. Tỉnh chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hệ thống giao thông liên vùng, đường đến trung tâm xã. Tỉnh cũng chỉ đạo chăm sóc tốt diện tích cây cao su hiện có và đưa vào khai thác mủ trên 3.500 ha, năng suất đạt 8,3 tạ/ha. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động người dân làm tốt việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với việc trồng mới trên 3.213 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 56,7%. Sản xuất công nghiệp thủy điện đã phát huy lợi thế, sản lượng điện của vùng chiếm 80% tổng sản lượng điện của toàn tỉnh.
: Vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà được bà con phát triển nuôi cá lồng trên mặt hồ thủy điện hiệu quả. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang ưu tiên phát triển vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ với việc phát triển hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư phát triển cây dược liệu. Tỉnh Lai Châu đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng huyện Sìn Hồ, công nhận điểm du lịch núi đá Ô Tả Phìn, động Quan Âm; nâng cấp tôn tạo khu danh lam thắng cảnh núi đá Ô, xây dựng tuyến đường hạ tầng du lịch thị trấn Sìn Hồ... Toàn vùng có 13 cơ sở lưu trú với trên 70 phòng nghỉ; diện tích trồng cây dược liệu toàn vùng ở huyện Sìn Hồ là 485 ha. Với hướng đi đúng trong phát triển kinh tế vùng, đến nay, kinh tế của tỉnh Lai Châu tiếp tục phát triển khá, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 15,68%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng/người/năm (tăng 1,72 lần so với năm 2015). Ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định, Lai Châu là tỉnh nghèo, khó khăn trong cả nước, nhưng trong những năm qua, nhờ phát huy tiềm năng và lợi thế nên kinh tế có sự phát triển bứt phá. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên… Kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Việt Hoàng