Lai Châu nỗ lực giải bài toán thiếu giáo viên trước thềm năm học mới

Ngày 16/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải đề nghị một số giải pháp để năm học 2024 - 2025 đạt kết quả toàn diện hơn nữa. Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ năm học mới; phấn đấu đưa chất lượng giáo dục, đào tạo của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt là lớp 5, lớp 9, lớp 12…

vna_potal_lai_chau_trien_khai_nhiem_vu_nam_hoc_2024-2025_7541728.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Theo báo cáo tại Hội nghị, các tồn tại, hạn chế trước thềm năm học mới như: Thiếu giáo viên, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lựa chọn sách giáo khoa; cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học giáo dục nghề nghiệp còn thấp; hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị, trường học còn thiếu…

Năm học 2024 - 2025, Ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu dự kiến có 335 trường, 5.206 lớp, 150.389 học sinh. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành là 11.379 người. Trong đó cán bộ quản lý là 929, giáo viên là 8.591 người; nhân viên và người lao động là 1.759 người.

vna_potal_lai_chau_trien_khai_nhiem_vu_nam_hoc_2024-2025_7541719.jpg
Ngành Giáo đục và Đào tạo Lai Châu có 10 cô giáo được Chủ Tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” lần thứ 16 năm 2023. Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Việc thiếu giáo viên đầu năm học là tình trạng diễn ra hàng năm của ngành Giáo dục Lai Châu, nhất là những địa phương ở vùng sâu, vùng xa như: huyện Nậm Nhùn năm nay hiện có 537 giáo viên, còn thiếu 126 giáo viên theo biên chế giao ở các cấp học. Đặc biệt, ở những môn học mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nguồn giáo viên lại càng thiếu. Hiện nay, toàn ngành thiếu 972 giáo viên ở các cấp học, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc. Nhiều trường học không có giáo viên tiếng Anh, Tin học. Để khắc phục tạm thời môn tiếng Anh, giáo viên của trường này phải dạy kiêm luôn trường khác. Đối với môn Tin học, nhiều trường cử thầy cô giáo đi các lớp tập huấn rồi về trường dạy lại cho học sinh... Điều này ảnh hưởng phần nào đến chất lượng dạy và học cũng như áp lực trong các nhà trường.

Nguyên nhân chính thiếu giáo viên ở Lai Châu được cho là do thiếu nguồn tuyển dụng hoặc giáo viên xin chuyển công tác, xin ra khỏi ngành…

Về vấn đề thiếu giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu tiếp tục rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp phù hợp thực tế của địa phương; tuyển dụng, hợp đồng đào tạo đủ số lượng giáo viên, nhất là các môn đang còn thiếu; tổ chức linh hoạt các phương án dạy học; sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên. Sở phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện đào tạo giáo viên theo quy định; đồng thời, cử tuyển học sinh đi học các ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số để đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên.

Năm học 2024 - 2025, ngành Giáo đục và Đào tạo tỉnh Lai Châu đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục; rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học...

Dịp này, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu có 10 cô giáo được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 năm 2023.

Nguyễn Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm