Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, quyết liệt, chủ động, sáng tạo hơn nữa, tập trung vào những khâu trọng tâm, đột phá, những việc mới, việc khó.
Trưởng ban Chỉ đạo Tổng kết nghị quyết 37-NQ/TW cho rằng, tỉnh Lai Châu cần xác định thế mạnh, lợi thế của tỉnh và các địa phương lân cận để tận dụng, đầu tư cho phát triển kinh tế; tập trung phát triển kinh tế rừng và trồng một số loại cây ăn quả, dược liệu phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương để phát triển kinh tế mũi nhọn; hỗ trợ nông dân tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa; đặc biệt, quan tâm đến công tác đào tạo con em là đồng bào dân tộc thiểu số để tạo nguồn lực cho tỉnh; chú ý đến công tác dân tộc, tôn giáo để đảm bảo an ninh chính trị ngay từ cơ sở...
Bí thư Tỉnh Ủy tỉnh Lai Châu Giàng Páo Mỷ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ, Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị được ban hành năm 2004. Đây là thời điểm Lai Châu vừa mới chia tách, thành lập với nhiều khó khăn, thách thức của một tỉnh miền núi biên giới, nghèo nhất cả nước, kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao… Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết 37 đối với vùng trung du, miền núi Bắc Bộ nói chung và Lai Châu nói riêng, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy Lai Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, học tập, tuyên truyền Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh; xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu báo cáo về phát triển kinh tế và kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị và Ban Bí thư cần quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37, Lai Châu đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và kém phát triển, từng bước rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Cụ thể, kinh tế của tỉnh phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao: GRDP bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng, tăng 12,7 lần so với năm 2004; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,75%/năm; sản lượng lương thực tăng nhanh, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 215 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 472 kg/người/năm... Hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của tỉnh được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ, nhất là hạ tầng giao thông; hệ thống đô thị được xây dựng từng bước khang trang, hiện đại và đồng bộ; quốc phòng - an ninh và đối ngoại được tăng cường…
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ Chính trị tăng cường nguồn lực hỗ trợ các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, sớm đầu tư sân bay Lai Châu; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn, các công trình bảo vệ biên giới; dự án ổn định dân cư gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng các xã biên giới; nghiên cứu chính sách riêng về thu hút đầu tư, trong đó cần có chính sách riêng cho tích tụ đất đai để thu hút nhà đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp chất lượng cao; có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức người dân tộc thiểu số; xem xét ban hành đề án riêng về Quy hoạch tổng thể và thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai…
Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu Lê Văn Bẩy kiến nghị với Bộ Chính trị và Ban Bí thư về những chính sách đặc thù về tuyển sinh trong lực lượng công an đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu về những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Quý Trung – TTXVN |
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu dành thời gian tập trung vào các nội dung như: Việc lồng ghép triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW với phát triển hạ tầng giao thông; xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung; gắn du lịch với xây dựng nông thôn mới; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng chiến lược cụ thể cho phát triển du lịch, giảm nghèo....
Việt Hoàng