Tướng De Castries (đi đầu) cùng toàn bộ Ban Tham mưu Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. Ảnh: Triệu Đại – TTXVN |
87 tuổi đời, 63 tuổi Đảng, ông Đàm Hồng Ngân ở tổ 1, phường Duyệt Trung, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng vẫn nhớ như in những kỉ niệm về cuộc đời binh nghiệp nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Năm 1949, chàng trai dân tộc Nùng Đàm Hồng Ngân lúc ấy 19 tuổi, quê tại xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng xung phong tình nguyện ra chiến trường, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ông đầu quân vào Khẩu đội 1 DKZ, Trung đội 4, Đại đội 35K, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 (Sư đoàn quân chủ lực, binh đoàn cơ động chiến lược đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam), tham gia chiến đấu tại các hầu hết chiến trường miền Bắc và vùng Thượng Lào.
Ông Ngân bồi hồi nhớ lại: Năm 1953, khi chiến dịch Thượng Lào đang quyết liệt bằng trận đánh ở tỉnh Sầm Nưa (Lào), ông được lệnh về tăng cường cho đồng đội ở Điện Biên Phủ. Chặng đường hành quân lên Điện Biên vô cùng vất vả. Lúc này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, địch rải bom đạn liên tục. Ông cùng đồng đội đi bộ hơn tháng trời. Con đường chênh vênh nhiều đèo cao, càng khó khăn hơn khi vừa đi vừa huấn luyện, vừa ngụy trang để tránh sự phát hiện của địch. Gian nan, thiếu thốn là vậy nhưng trong không khí cả nước dồn sức lực vào chiến dịch thì khí thế của các chiến sĩ hành quân càng lên cao.
Với hơn 2 vạn người, đoàn dân công xe thồ ngày đêm vận chuyển lương thực, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Đến Điện Biên Phủ, ông Ngân được giao nhiệm vụ Khẩu đội trưởng DKZ 1, chỉ huy một tiểu đội xạ thủ tiến hành bắn phá các mục tiêu địch. Tại cứ điểm 206, nhiệm vụ của Tiểu đội là dùng súng DK bắn để bịt các lỗ châu mai của địch. Súng đạn của quân Pháp từ lỗ châu mai bắn ra xối xả, liên tiếp khiến nhiều chiến sĩ của ta liên tục hi sinh. Để chiếm lấy những cứ điểm quan trọng, bộ đội ta đã chuyển sang dùng bộc phá để đánh lô cốt địch. Các chiến sĩ phải giành giật đánh chiếm lấy từng cứ điểm, từng mỏm đồi trên Điện Biên Phủ. Tại đây, ông Ngân cùng đồng đội đã tiêu diệt được hơn 100 tên địch, góp phần yểm trợ cho đơn vị chủ công hoàn thành nhiệm vụ.
Trận đánh ông Ngân nhớ nhất tại Chiến dịch Điện Biên Phủ là lúc chiến dịch bước vào đợt 2 (Từ 30/ 3 đến ngày 30/4/1954), Tiểu đội của ông cùng các đơn vị phối hợp được giao nhiệm vụ, bắn phá địch để kiểm soát sân bay Mường Thanh. Quân địch hiểu được tầm quan trọng của sân bay này nên dồn hỏa lực ở các lô cốt bắn ra liên tiếp nhằm mục đích dành thế chủ động trước quân ta, khiến cho các đơn vị của ta bị dồn ứ lại. Để giữ vững từng mét hào, từng ụ cố thủ, ông cùng các anh em trong đơn vị đã anh dũng chiến đấu không quản ngày đêm . Nhiều chiến sĩ xung phong lao lên đều hy sinh trước họng súng của kẻ thù. Tại đây, ông Ngân cùng đồng đội đã bắn hỏng một xe tăng của địch, làm tiêu hao lực lượng bộ binh của địch.
Ngày 7/5/1954, toàn bộ Tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị tiêu diệt. Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp oanh liệt đầy hy sinh, gian khổ kéo dài suốt 9 năm. Ảnh: Triệu Đại – TTXVN |
Nhưng ông Ngân nhớ nhất là khoảnh khắc trận chiến quyết liệt trên Đồi A1 giữa ta và địch vào đêm 6/5/1954, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm kiên cố của địch. Đến hơn 17h ngày 7/5/1954, quân ta chiếm Sở chỉ huy của địch, Tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh linh Pháp ra hàng. Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.
Kể đến đây, giọng của người chiến binh già trùng xuống bùi ngùi: " Chiến thắng lẫy lừng là vậy nhưng bộ đội ta hy sinh cũng không ít. Tôi nhớ như in lúc đang đánh địch một xạ thủ người Phú Thọ bị bắn gục ngay trước mặt, ánh mắt anh nhìn tôi như gửi gắm điều gì. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ như một nén hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống tại trận địa.
Về với đời thường dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi có dịp, cựu chiến binh Đàm Hồng Ngân vẫn cố gắng tham gia các buổi gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện lịch sử để khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Chu Hiệu