Ký lại bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc

Ký lại bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc

Tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã trao đổi các vấn đề về hợp tác phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc; chuyên gia và lao động kỹ thuật Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam; Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống thông tin việc làm; các hợp tác về an toàn lao động và các nội dung hai bên cùng quan tâm. Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân Hàn Quốc đến đầu tư, kinh doanh, làm việc, học tập và sinh sống tại Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung (bên phải) tiếp Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Ki Kweon. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung (bên phải) tiếp Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Ki Kweon. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN


Bản ghi nhớ được hai bên ký kết lần này đánh dấu việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trở lại bình thường; trong đó bao gồm các điều khoản thống nhất chung về cơ quan phái cử và tiếp nhận; quy định về tiêu chuẩn của người dự tuyển; nguyên tắc xác định và thông tin về chi phí phái cử; quy trình phái cử và tiếp nhận. Số lượng lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc tiếp nhận hàng năm phụ thuộc vào mức độ giảm tỷ lệ lao động Việt Nam đang cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc. 

Việc ký kết Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, kể cả các lao động cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương. Sau lễ ký kết, cơ quan chức năng của hai bên sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề… đối với người lao động có nguyện vọng tham gia Chương trình. Những nỗ lực trên đóng góp thiết thực cho việc đẩy mạnh hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc nói chung trong bối cảnh quan hệ đối tác chiến lược hai bên ngày càng phát triển. 

Trong khuôn khổ chương trình EPS, từ năm 2004 đến nay đã có hơn 75.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc với việc làm, thu nhập ổn định, trung bình từ 1.000 đến 1.500 USD/người/tháng. Lao động Việt Nam được người sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo. Tuy nhiên, những năm gần đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, hết thời hạn làm việc không trở về nước và ở lại cư trú không hợp pháp tại Hàn Quốc khá cao đã ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác lao động giữa hai bên. Từ tháng 8/2012 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc chưa ký lại Bản ghi nhớ (MOU) bình thường về Chương trình EPS mà chỉ ký Bản ghi nhớ đặc biệt với thời hạn một năm, lần lượt vào ngày 31/12/2013 và ngày 10/4/2015. Theo đó chỉ những lao động đã kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2012 và những lao động đã làm việc tại Hàn Quốc thuộc diện tái nhập cảnh có thể tham gia Chương trình. Điều này cũng đồng nghĩa, hàng năm hàng chục ngàn lao động Việt Nam không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc. 

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Ki Kweon ký bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm.. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Ki Kweon ký  bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm.. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN


Nhiều giải pháp đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc thực hiện nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú, làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc, như: Áp dụng quy định ký quỹ với người lao động trước khi xuất cảnh; thành lập Văn phòng quản lý lao động theo Chương trình EPS tại Hàn Quốc để tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người lao động; đề nghị chính quyền, đoàn thể tại các địa phương có nhiều lao động ở lại làm việc, cư trú không hợp pháp, vận động các gia đình thuyết phục người thân của mình trở về nước. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với các cơ quan chức năng của Hàn Quốc gặp gỡ, tư vấn và vận động lao động trở về nước đúng thời hạn; triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động tái hòa nhập, tìm việc làm mới trong nước sau khi kết thúc hợp đồng trở về; trình Chính phủ ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với lao động hết thời hạn hợp đồng nhưng ở lại, cư trú và làm việc không hợp pháp. 

Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện chính sách khuyến khích người lao động nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện hồi hương, theo đó từ tháng 5/2015 miễn phạt tiền và giảm thời hạn tái nhập cảnh Hàn Quốc đối với lao động tự nguyện hồi hương; miễn phạt tiền và không cấm tái nhập cảnh Hàn Quốc đối với lao động tự nguyện hồi hương trong thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 30/09/2016. Chính phủ Việt Nam đã có các Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 7/9/2015 và Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 miễn xử phạt vi phạm hành chính đối với các lao động đang cư trú, làm việc không hợp pháp, tự nguyện trở về nước trong thời gian từ ngày 1/9 đến 31/12/2015 và từ ngày 1/5 đến 30/9/2016. 

Các thành viên hai đoàn tọa đàm trao đổi vền những vấn đê liên quan trước khi ký kết bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN
 Các thành viên hai đoàn tọa đàm trao đổi vền những vấn đê liên quan trước khi ký kết bản ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm. Ảnh: Anh Tuấn- TTXVN
 

Nhờ những nỗ lực của các cơ quan Việt Nam và Hàn Quốc, tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước giảm từ 47% cuối năm 2013 xuống còn khoảng 35% cuối năm 2015, số lao động cư trú bất hợp pháp giảm từ 18.000 người xuống còn hơn 15.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của 14 nước khác có phái cử lao động sang Hàn Quốc.../. 



Có thể bạn quan tâm