Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cử tri các địa phương gửi kiến nghị tới Phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cử tri các địa phương gửi kiến nghị tới Phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Từ ngày 6 đến 8/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dành hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cử tri các địa phương gửi kiến nghị tới Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ảnh 1Cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) theo dõi phần điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 6/11, cử tri Khánh Hòa đánh giá cao việc các đại biểu Quốc hội tập trung đặt những câu hỏi liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết Quốc hội đề ra đối với các nhóm kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành. Phần trả lời của các bộ trưởng, người đứng đầu ngành tập trung trọng tâm, khá đầy đủ, thể hiện tinh thần trách nhiệm trước các vấn đề được chất vấn. Chủ tọa điều hành phiên chất vấn khoa học, bài bản, đảm bảo các vấn đề được chất vấn và trả lời chất vấn được làm rõ tại nghị trường. Các vấn đề không hợp lý được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ý kiến giải quyết ngay tại chỗ; đề nghị cơ quan giúp việc cần có hành động cụ thể để các vấn đề của cử tri, nhân dân, đại biểu Quốc hội không còn lặp đi lặp lại.

Về lĩnh vực kinh tế tổng hợp, các đại biểu Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn nhấn mạnh đến việc cần phải cải cách thủ tục hành chính, để thủ tục đầu tư công triển khai thuận lợi, rút ngắn thời gian hơn. Cử tri Khánh Hòa cũng đồng ý với quan điểm của người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cần tách việc giải phóng mặt bằng và đấu thầu xây dựng thành hai vấn đề.

Nói về trách nhiệm để cho chậm tiến độ các dự án trọng điểm, trong khi các báo cáo thẩm tra, tờ trình, kế hoạch xây dựng cũng như các chương trình làm việc của các dự án trọng điểm thường được khẳng định là đã được xem xét kỹ lưỡng, Tiến sỹ Phạm Hồng Mạnh, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, cơ quan tham mưu có trách nhiệm đầu tiên nhưng cũng phải xét thêm nhiều yếu tố. Nguyên nhân chậm kế hoạch là do giải phóng mặt bằng chậm, dẫn đến thời gian thi công của nhà thầu lâu hơn, từ đó phát sinh chi phí. Việc vướng giải phóng mặt bằng đến từ nguyên nhân khách quan, do Luật Đất đai hiện nay đền bù theo giá chưa thỏa đáng theo thị trường, từ đó người dân phản ứng, kéo dài thời gian. Do đó, Tiến sỹ Phạm Hồng Mạnh đề xuất, việc phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư và địa phương có dự án rất quan trọng trong các khâu, trong đó, điều chỉnh chính giá đền bù Nhà nước phải theo giá thị trường.

Đồng quan điểm với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cử tri Khánh Hòa cho rằng, việc đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bằng dân tộc và miền núi khó khăn nhất là các cơ chế, chính sách trong việc phê duyệt danh sách, đối tượng thụ hưởng. Thực tế, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa hiện nay cũng vướng phải nội dung này và đang có văn bản gửi đến Ủy ban Dân tộc Quốc gia, nhằm sớm đưa được các nguồn vốn về với nhân dân miền núi Khánh Hòa.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cử tri các địa phương gửi kiến nghị tới Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ảnh 2Cử tri Dương Văn Bé, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ góp ý các vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Trong khi trả lời chất vấn, Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, đến nay, Bộ đã có những hoạt động thông qua trí tuệ nhân tạo phân tích trốn thuế; chỉ đạo thực hiện, quay sổ xố bằng hóa đơn may mắn, khuyến khích người dân lấy hóa đơn để trúng thưởng, thực hiện nghiêm việc thanh toán không dùng tiền mặt, tăng thu ngân sách, tránh nguồn thu. Nội dung này được cử tri Võ Quang Hoàng, Tổng Quản lý Khách sạn Ariyana Smartcondotel Nha Trang quan tâm, đánh giá cao; cho rằng, việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc xuất hóa đơn điện tử, quản lý thuế của Nhà nước tại đơn vị rất thuận tiện. Tại Khánh Hòa, các khách sạn từ 5 sao đến nhà nghỉ đều áp dụng xuất hóa đơn điện tử đầy đủ. Việc này thể hiện sự minh bạch trong tài chính, đồng thời cho thấy, hình ảnh du lịch Nha Trang - Khánh Hòa văn minh - lịch sự - thân thiện trong du khách và nhân dân.

*Cử tri thành phố Cần Thơ đánh giá nội dung các câu hỏi được đại biểu nêu ra cũng như phần giải trình của lãnh đạo các Bộ, ngành trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 6/11 đã đi vào trọng tâm, nêu được những vấn đề nóng được cử tri cả nước quan tâm. Đồng thời, cử tri cũng góp ý các vấn đề trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo đời sống cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long trước thiên tai, sạt lở.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Cử tri các địa phương gửi kiến nghị tới Phiên chất vấn và trả lời chất vấn ảnh 3Cử tri Dương Văn Bé, nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ góp ý các vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN  

Tại phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông về việc cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do thiên tai, sạt lở gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, biến đổi khí hậu đang tác động rõ rệt đến Việt Nam - một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với đặc điểm là nền địa chất non trẻ, nguồn nước phụ thuộc vào nước ngoài. Giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai; đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương. Phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch di dời dân cư và quy hoạch phát triển theo dự báo sạt lở để tránh ảnh hưởng đến người dân cũng như sự phát triển; đồng thời, đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở. Các dự án công trình bao gồm các dự án kè sông ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 16 dự án phòng, chống sạt lở với kinh phí khoảng 2 tỷ USD từ nguồn vốn ODA; các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gắn vào các công trình chống sạt lở…

Nhận xét nội dung trả lời của Trưởng ngành Tài nguyên và Môi trường, Tiến sỹ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ đặt câu hỏi: "Có một bản đồ thật chính xác về vị trí, thời gian, biết chỗ nào sẽ sạt lở và sạt lúc nào thì bản đồ này dùng để làm gì?", Tiến sỹ Ni cho rằng, vấn đề không phải là làm bản đồ mà cần có kế hoạch để di dời người dân khỏi các vị trí sạt lở. Trên thực tế, có những khu vực đã được xác định là vị trí xung yếu, dễ sạt lở nhưng tới nay vẫn chưa bố trí được quỹ đất, kinh phí để di dời người dân. Vậy nếu có một bản đồ chính xác thì cũng chỉ dừng lại ở việc thông báo. Để có một giải pháp lâu dài, phải làm sao để tính toán đưa người dân ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở. Giải pháp này bao gồm việc bố trí được quỹ đất cũng như kinh phí để di dân. Quan trọng nhất là phải tạo được sinh kế cho người dân khi đưa họ đến nơi ở mới.

“Cuộc sống của người dân đang bám vào bờ sông, bờ biển. Khi được đưa đến nơi khác mà không có sinh kế, họ cũng sẽ tìm cách để quay lại. Ba vấn đề này cần được đặt trong một chiến lược lâu dài còn việc lập bản đồ, dự báo, cảnh báo chỉ có thể đáp ứng được tính thời sự chứ không thể giải quyết căn cơ lâu dài”, Tiến sỹ Dương Văn Ni nói.

Cũng theo Tiến sỹ Ni, xét về bối cảnh tự nhiên và quá trình phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long đang ở trong giai đoạn bồi ít hơn lở. Do các đập thủy điện ở thượng nguồn đã giữ cát lại và từ quá trình khai thác cát của các quốc gia, trong đó có Việt Nam nên việc sạt lở bờ sông, bờ biển của đồng bằng sẽ ngày càng trầm trọng. Khi tiến hành xây dựng công trình chống sạt lở kiên cố, cần cân nhắc đến giá trị công trình sẽ bảo vệ. Nếu giá trị là vô giá thì bằng mọi cách phải bảo vệ được.

Để phòng, chống sạt lở cho Đồng bằng sông Cửu Long, bảo vệ cuộc sống của người dân, cử tri Dương Văn Ni đề xuất cần có chính sách lâu dài, do Chính phủ dẫn dắt. Giải pháp này cần sự vào cuộc của cả xã hội; trong đó, Chính phủ đóng vai trò đầu tàu, chỉ đạo các Bộ, ngành như: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, các tỉnh, thành phố…theo chức năng, nhiệm vụ của mình để triển khai đồng bộ các giải pháp như cảnh báo, bố trí quỹ đất, có chính sách đào tạo nghề, thu hút nhà đầu tư để tạo công ăn việc làm cho người dân khi đưa họ ra khỏi các vùng sạt lở, có nguy sơ sạt lở.

Theo cử tri Dương Văn Bé (quận Cái Răng), nguyên Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng, thấp với hệ thống sông rạch chằng chịt. Những năm qua, số điểm sạt lở ngày càng gia tăng đã ảnh hưởng đến nhà cửa, đời sống của người dân cũng như việc phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí an ninh-quốc phòng của các địa phương trong vùng.

Ông Bé kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chủ trương để ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển. Những vị trí xung yếu, quan trọng thì cần xây kè bảo vệ để đảm bảo đời sống cho người dân, phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời tạo mỹ quan.

Cử tri Dương Văn Bé cũng cho rằng, để làm được việc này, cần có sự đầu tư lớn của Nhà nước, được quy hoạch cụ thể, rõ ràng khu vực thực sự cần công trình chống sạt lở chứ không nên làm tràn lan. “Nếu nơi nào cũng xây bờ kè thì nguồn kinh phí không thể đáp ứng. Nơi nào thực sự cần thiết thì mới làm. Đồng thời, cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng công trình có thể đáp ứng mục tiêu phòng, chống sạt lở lâu dài, giúp ổn định đời sống nhân dân”, cử tri nêu ý kiến.

*Theo dõi phiên chất vấn, cử tri tỉnh Cao Bằng nêu một số vấn đề còn khó khăn, bất cập tại địa phương. Theo ông Hoàng Mạnh Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Cao Bằng, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công tại địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân quan trọng là nhiều nhà thầu, doanh nghiệp không muốn làm vì làm thì lỗ vốn. Nguyên do là nhiều công trình dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia có thời hạn 3 năm nhưng chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thành trong vòng một năm. Điều này có nghĩa, doanh nghiệp phải hoàn thành xây dựng trong vòng một năm nhưng phải đợi tới 3 năm sau mới được thanh toán công trình. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải đi vay vốn ngân hàng để có vốn đầu tư xây công trình. Điều này gây áp lực và khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp khi phải chịu lãi suất ngân hàng; gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục thanh toán như hóa đơn, chứng từ, thuế thu nhập doanh nghiệp… Tỉnh cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì mới có thể kích thích doanh nghiệp khẩn trương hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương của Cao Bằng, thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng rất khó khăn, phức tạp, đẩy giá vật liệu xây dựng lên cao. Vì không có mỏ vật liệu, nhiều doanh nghiệp phải mua nguyên vật liệu ở rất xa, giá cước vận tải, chuyên chở đẩy giá vật liệu lên gấp 2 lần. Trong khi đó, các chủ đầu tư chỉ duyệt giá vật liệu thấp khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại. Các doanh nghiệp đã phản ánh việc này đến cơ quan chức năng, nhưng việc tiếp thu, sửa đổi rất chậm khiến cho doanh nghiệp thiệt hại. Tỉnh cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nông Văn Thành, cán bộ hưu trí ở phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng cho rằng, công tác dạy nghề ở miền núi, vùng sâu vùng xa hiện nay còn rất yếu kém. Đối với việc dạy nghề trong các trường Trung học Phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên thì gần như không có hiệu quả. Học sinh bậc Trung học Phổ thông tại các trường công lập, Trung tâm Giáo dục thường xuyên đều bắt buộc phải học nghề, nhưng khi tốt nghiệp ra trường, gần như học sinh không biết gì về nghề và không thể lao động, sản xuất bằng những nghề được học. Với các trường trung cấp nghề ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, việc học nghề cũng hết sức khó khăn; học sinh học xong rất khó tìm được việc làm ngoài xã hội. Mặt khác, chất lượng học nghề cũng không đảm bảo, học nặng về lý thuyết; thiếu thiết bị học tập, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp để thực hành nghề hoặc được thực hành trên những thiết bị quá cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng được thực tiễn.

Thực tế trên khiến nhiều lao động trẻ tại miền núi rất khó tìm việc hoặc chỉ làm những công việc ít kỹ năng nghề nghiệp, thu nhập thấp. Ông Nông Văn Thành đề nghị, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có giải pháp khắc phục tình trạng trên, giúp người dân miền núi nâng cao trình độ lao động, giải quyết việc làm.



Thanh Liêm-Phan Sáu-Quốc Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm