Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 22/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Căn cước.
Các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực.
Đề xuất không bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước
Đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, nghiêm túc và có chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đóng góp một số nội dung cụ thể.
Về thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 10), dự thảo Luật quy định có 24 nhóm thông tin của công dân được thu thập, tích hợp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, ở khoản cuối cùng của Điều này quy định: Ngoài những thông tin nêu trên còn thu thập, tích hợp cả những thông tin khác của công dân được chia sẻ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cân nhắc thêm về các quy định này, bởi các cơ sở dữ liệu chuyên ngành rất nhiều như chuyên ngành y tế, giáo dục, lao động, thuế, chứng khoán...
Đồng thời, dự thảo Luật quy định "những thông tin khác của công dân" chưa rõ là những thông tin gì, băn khoăn việc có những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để quy định cụ thể "những thông tin khác của công dân" ngay trong Luật.
Liên quan đến các chủ thể được khai thác thông tin (Điều 11), dự thảo Luật quy định: Các chủ thể được khai thác thông tin gồm các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, các thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư rất rộng, ví dụ số điện thoại của công dân nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền cho công dân. Bên cạnh đó, mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau nên mục đích và phạm vi khai thác là khác nhau. Chẳng hạn, cơ quan cảnh sát giao thông chỉ có nhu cầu khai thác thông tin liên quan đến giấy phép lái xe, còn các cơ quan địa chính chỉ có nhu cầu khai thác thông tin liên quan đến đất đai, nhà cửa của công dân.
"Dự thảo Luật chỉ quy định các chủ thể khai thác thông tin mà lại không quy định phạm vi khai thác thông tin và giao cho Chính phủ quy định. Các thông tin liên quan trực tiếp đến cá nhân công dân và cả những thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của công dân. Tôi đề nghị quá trình chỉnh lý phải rà soát, quy định cụ thể ngay trong Luật phạm vi khai thác của các chủ thể, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ", đại biểu nêu.
Đối với các thông tin trên thẻ căn cước công dân (Điều 19), dự thảo Luật đã điều chỉnh một số thông tin trên thẻ căn cước so với Luật hiện hành, trong đó có bỏ mục quê quán. Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và xây dựng Cơ sở dữ liệu căn cước, việc điều chỉnh các thông tin trên thẻ căn cước là phù hợp; tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về việc bỏ mục quê quán ở trong thẻ căn cước.
Đại biểu phân tích, Điều 3 dự thảo Luật quy định "căn cước giúp cho việc nhận diện lai lịch của một con người". Theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ có các cơ quan, tổ chức được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sử dụng những thiết bị chuyên dụng được Bộ Công an kiểm tra, đánh giá mới có thể khai thác được những thông tin tích hợp trong thẻ căn cước. Các giao dịch hằng ngày với các chủ thể khác và có nhu cầu phải sử dụng thẻ căn cước này để nhận diện lai lịch của một con người. Do đó, đại biểu đề xuất không nên bỏ mục quê quán trên thẻ căn cước.
Bảo đảm quy định được hợp hiến, hợp pháp, chặt chẽ
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhận định, dự thảo Luật sửa đổi 39/39 điều, bổ sung 7 điều so với Luật hiện hành, trong đó có quy định bổ sung, cập nhật một số thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thu thập, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong 2 cơ sở dữ liệu này và nhiều nội dung quan trọng khác. Đây đều là những nội dung liên quan đến bí mật đời tư cá nhân, đến quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Cùng với đó, có nhiều quy định của dự thảo Luật liên quan đến các quy định của pháp luật hiện hành và công ước quốc tế như Luật Quốc tịch, Luật Hộ tịch, Luật Cư trú, Bộ luật Dân sự, công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thấu đáo từng nội dung cụ thể để bảo đảm quy định được hợp hiến, hợp pháp, chặt chẽ, thống nhất và khả thi.
Quan tâm đến vấn đề căn cước điện tử, đại biểu cho rằng, so với Luật Căn cước công dân hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung phạm vi điều chỉnh là căn cước điện tử và việc xác định tài khoản định danh điện tử là căn cước điện tử.
Theo đại biểu, Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử đã quy định: Tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử. Như vậy, tài khoản định danh điện tử là một loại tài khoản được cấp cho cá nhân, tổ chức cụ thể để tham gia giao dịch trên môi trường mạng như thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, các thông tin trong tài khoản định danh điện tử khi được tạo lập sẽ được đồng bộ với thông tin trong cơ sở dữ liệu khác, trong đó gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước. Như vậy, cùng một tài khoản định danh điện tử thì lại có giá trị pháp lý khác nhau. Tài khoản định danh điện tử của cá nhân được xác định là căn cước điện tử là chưa phù hợp và chưa bảo đảm thống nhất trong cách quản lý đối với tài khoản do cùng một hệ thống tạo lập.
Đại biểu cho rằng, căn cước điện tử chỉ nên là phương thức thực hiện từ quản lý hành chính sang quản lý bằng phương thức điện tử; đề nghị không xác định tài khoản định danh điện tử là căn cước điện tử. Trong trường hợp vẫn quy định trong dự thảo Luật này thì đề nghị đánh giá thêm về tính khả thi, về lộ trình cấp căn cước điện tử, đồng thời bổ sung quy định về thủ tục cấp căn cước điện tử, ứng dụng của căn cước điện tử...
Đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự án Luật Căn cước là văn bản pháp lý quan trọng trong công tác quản lý dân cư, căn cước, nhằm mục đích tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và nhiều tiện ích khác, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của nước ta.
Bộ trưởng đã tóm tắt các ý kiến đại biểu, tập trung vào 10 nhóm vấn đề chính gồm: sự cần thiết ban hành; tính thống nhất, tính khả thi; tên gọi; nội dung trong thẻ căn cước; quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi; tích hợp thông tin vào thẻ căn cước… Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, giải trình báo cáo Quốc hội.
Về sự cần thiết ban hành, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, các ý kiến đều nhất trí ban hành Luật Căn cước và đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ của Chính phủ; khẳng định trong hồ sơ dự án Luật đảm bảo theo quy định của pháp luật, đã tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của các đại biểu Quốc hội.
“Đa số đại biểu cho rằng, quy định trong dự thảo tương đồng với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển và phù hợp với quy định của Hiến pháp, không xung đột với các luật khác”, Bộ trưởng cho biết.
Về tên gọi của dự án Luật, đa số đại biểu nhất trí tên gọi Luật Căn cước nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật”. Một số đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi Luật Căn cước công dân như hiện nay.
Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023).
Phan Phương