Kon Tum: Đưa Di tích Đập Mùa Xuân trở thành “địa chỉ đỏ” về lịch sử - văn hóa

Ngày 22/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức hội thảo khoa học “Thông qua hồ sơ khoa học Di tích Lịch sử - Văn hóa Đập Mùa Xuân”.

Kon Tum: Dua Di tich Dap Mua Xuan tro thanh “dia chi do” ve lich su - van hoa hinh anh 1Chiều trên đập Mùa Xuân. Nguồn: baokontum.com.vn

Đập Mùa Xuân hay còn gọi là Đập Đăk Ui có tổng diện tích gần 47ha, thuộc địa bàn xã Đăk Ngọc và Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Đập được khởi công xây dựng ngày 22/12/1975 do Bộ Tư lệnh Binh đoàn 773 thực hiện; trực tiếp chỉ huy là đồng chí Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên) - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum khi đó. Công trình Đập Mùa Xuân được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 1977. Ngày 19/5/1977, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị đã cắt băng khánh thành.

Công trình không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị khu vực Tây Nguyên, Kon Tum và ngã ba Đông Dương lúc bấy giờ; đồng thời làm hồi sinh vùng đất rộng lớn từng bị bom, đạn cày xới trong chiến tranh, vươn mình trở thành nơi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của người dân địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử và giá trị chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của Di tích Lịch sử - Văn hóa Đập Mùa Xuân đối với các các đơn vị Quân đội nói riêng, với Đảng bộ, quân, dân các dân tộc huyện Đăk Hà và tỉnh Kon Tum nói chung.

Ông Bùi Văn Bình (nhân chứng lịch sử công trình Đập Mùa Xuân) cho biết, các cấp, ngành cần xác định rõ và thống nhất tên gọi của con đập vì đây là địa danh gắn liền với lịch sử. Ông Trần Đình Văn (nhân chứng lịch sử công trình Đập Mùa Xuân) chia sẻ, các ngành chức năng cần có phương án bảo vệ và phát huy các giá trị lịch sử tại Đập Mùa Xuân; tri ân các chiến sỹ Đoàn 331, Trung đoàn 707 và những chiến sỹ đã nằm xuống trong quá trình xây dựng đập chính cũng như khai hoang làm kinh tế trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn cực Bắc Tây Nguyên lúc bấy giờ...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, góp ý của các nhân chứng lịch sử trong việc làm rõ tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của công trình Đập Mùa Xuân. Trên cơ sở đó, Sở tiếp tục nghiên cứu để đi đến thống nhất và hoàn thiện Hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh Kon Tum ra quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh cho Di tích Lịch sử - Văn hóa Đập Mùa Xuân.

Dự kiến sau khi được công nhận, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum sẽ xây dựng nhà bia tưởng niệm gần vị trí bia Đập Mùa Xuân. Đây sẽ là nơi để Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tại tỉnh Kon Tum đến dâng hương, tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh trong quá trình xây dựng công trình; đồng thời, hướng đến việc đưa Đập Mùa Xuân trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quả cảm, không sợ hy sinh, gian khổ của thế hệ cha ông đi trước cho thế hệ trẻ sau này noi gương, học tập.

Khoa Chương

Tin liên quan

Để du lịch Kon Tum “cất cánh” (Bài 3)

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, những năm qua, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh tuy đã có đổi mới song còn thiếu tính chuyên nghiệp. Công tác liên kết, phát triển du lịch chưa tạo được sự đột phá. Việc thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch chưa nhiều. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc huy động các thành phần kinh tế, đặc biệt là người dân tham gia hoạt động du lịch chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy, việc thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo liên kết du lịch vùng và mới đây là công bố Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030 chính là “chìa khóa” đã mở ra tương lai cho ngành du lịch Kon Tum.


Để du lịch Kon Tum “cất cánh” (Bài 2)

Với lợi thế và tiềm năng to lớn về du lịch, Kon Tum không chỉ trở thành điểm đến ưa thích của du khách mà còn thu hút được một lượng lớn đơn vị, công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đến tìm hiểu, đầu tư. Dù vậy, để các dự án đầu tư thuận lợi, tỉnh cần nhanh chóng khắc phục các điểm yếu; đa dạng hóa, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch đặc thù. Bên cạnh đó, địa phương cần khai thác triệt để lợi thế du lịch cộng đồng – gắn phát triển du lịch với lợi ích của cộng đồng các dân tộc thiểu số.


Để du lịch Kon Tum “cất cánh” (Bài 1)

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Kon Tum đã thu hút được gần 500.000 lượt khách, đạt trên 53% kế hoạch và tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, qua đó mang về doanh thu trên 110 tỷ đồng, tăng 81,5% so với cùng kỳ. Đây là những tín hiệu khả quan đối với ngành du lịch – ngành kinh tế bị đánh giá là phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. “Sức bật” trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để tỉnh Kon Tum hướng đến xây dựng du lịch bền vững, gắn liền với lợi ích của người dân, nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hậu COVID-19.


Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng”

Sáng 24/4, tại thành phố Kon Tum, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng”; công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam giai đoạn 2025 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.


Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt

Tối 23/4, tại Quảng trường 24/4 huyện Đăk Tô (Kon Tum), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2022) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với di tích lịch sử Điểm cao 1015 (đồi Charlie) và Điểm cao 1049 (căn cứ Delta).



Đề xuất