Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng”

Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng”

Sáng 24/4, tại thành phố Kon Tum, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng”; công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam giai đoạn 2025 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Diễn đàn nhằm tìm các giải pháp phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển du lịch Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” ảnh 1Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Dư Toán - TTXVN

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Kon Tum có đầy đủ yếu tố về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số mang đậm bản sắc dân tộc, con người hiền hòa, góp phần kiến tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo. Kon Tum không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý mà còn có nhiều di tích, di sản văn hóa có giá trị lớn.

Hy vọng các doanh nghiệp tham dự diễn đàn sẽ kết nối nhu cầu đến với Kon Tum để các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của tỉnh bởi muốn đi xa phải đồng hành cùng nhau trên con đường phát triển du lịch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kỳ vọng sau diễn đàn, du lịch Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ nói chung sẽ khởi sắc, bắt kịp đà phát triển du lịch của cả nước.

Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” ảnh 2Lễ ký kết chương trình hợp tác toàn diện giữa tỉnh Kon Tum và Vietnam Airlines tại diễn đàn. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tại diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, tiềm năng du lịch của Kon Tum rất đặc sắc, nằm ở ngã ba Đông Dương, sở hữu danh thắng Măng Đen, vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu bảo tồn Ngọc Linh… Do đó, Kon Tum có thể phát triển mạnh các loại hình du lịch như du lịch trải nghiệm, nghĩ dưỡng, khám phá. Tuy nhiên, kết quả du lịch của Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng khi tổng thu du lịch năm 2019 chỉ đạt 297 tỷ đồng. Dù vậy, khách du lịch đến với Kon Tum đang có dấu hiệu tăng dần theo từng năm, trung bình tăng 18%/năm, nên đây là cơ hội để Kon Tum đẩy mạnh xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch.

“Định hướng là phát triển Kon Tum trở thành điểm đến du lịch nổi bật đặc trưng của vùng Tây Nguyên về du lịch xanh, chất lượng, bền vững với hệ thống sản phẩm du lịch đồng bộ, đặc sắc trên cơ sở khai thác phát huy hài hòa tài nguyên tự nhiên và văn hóa các dân tộc Kon Tum”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng, hiện nay, ngành du lịch đang trong giai đoạn phục hồi, thích ứng, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Vì vậy, Hiệp hội du lịch tỉnh Gia Lai kiến nghị ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần tăng cường mở rộng sự liên kết, hợp tác; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan phát triển du lịch. Ngành cần có chính sách, cơ chế đặc thù cho du lịch Tây Nguyên; đổi mới và ứng dụng nhanh công nghệ thông tin và truyền thông, chuyển đổi số vào lĩnh vực du lịch;…

Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” ảnh 3Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương để tìm hiểu cơ hội. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kịp thời, giải quyết những khó khăn để cùng khai thác hết tiềm năng, đưa du lịch Kon Tum phát triển bền vững, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tại diễn đàn, Ban tổ chức cũng công bố Kế hoạch phát triển du lịch Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Mục tiêu là đến năm 2025, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đón 3,3 triệu lượt khách du lịch, tăng trưởng trung bình 14%/năm. Đến năm 2030, khu vực này tăng gấp hai lần về lượng khách, hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và tiện nghi tương đối đồng bộ; hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối thuận lợi; nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu phát triển.

Kế hoạch này hướng tới việc hình thành một điểm đến du lịch bền vững và có trách nhiệm; cung cấp dịch vụ chất lượng, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Về triển khai thực hiện, phía Việt Nam sẽ chủ trì, dẫn dắt 5 nhiệm vụ: Xúc tiến mở các tuyến đường bay quốc tế đến khu vực; liên kết các doanh nghiệp, hiệp hội trong khu vực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tổ chức khảo sát liên tỉnh, liên quốc gia gắn kết các cụm, khu du lịch, kết nối các tour, tuyến, điểm, khu du lịch; tạo lập chuỗi các sự kiện du lịch trong khu vực; tổ chức diễn đàn thường niên về xúc tiến, quảng bá du lịch khu vực. Việt Nam cũng phối hợp với Lào và Campuchia triển khai 10 nhiệm vụ do hai nước bạn chủ trì.

Cũng tại diễn đàn, Chương trình hợp tác phát triển du lịch của các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum đã được ký kết. Riêng Kon Tum kết hợp tác chiến lược toàn diện với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nhằm phối hợp đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch, đầu tư thương mại, hàng không, điểm đến. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum kí kết hợp tác với Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ khôi phục hoạt động các doanh nghiệp du lịch…

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm