Kinh tế biển- tiềm năng mũi nhọn của Bình Thuận

Kinh tế biển- tiềm năng mũi nhọn của Bình Thuận
Phát huy thế mạnh bờ biển dài và ngư trường rộng lớn, Bình Thuận đã đẩy mạnh đầu tư khai thác hiệu quả kinh tế biển và đã có bước chuyển biến đáng kể. Có thể nói kinh tế biển Bình Thuận có bước phát triển tương đối toàn diện, tạo được diện mạo mới vùng ven biển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

* Lợi thế du lịch biển 

Phát huy lợi thế về thiên nhiên ưu đãi, Bình Thuận đã xác định du lịch là một trong những ngành mũi nhọn mang tính đột phá của địa phương. Chính vì vậy, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế vốn có. Nhờ sự đổi mới trong công tác quản lý, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách cộng với sự quyến rũ của du lịch biển, hàng năm số lượt du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng đều tăng cao. Đặc biệt, các dịch vụ thể thao giải trí trên biển như: Lướt ván diều, lướt ván buồm, đánh golf đã tạo sức hút và kéo dài thêm thời gian lưu trú của khách du lịch. Năm 2015, Bình Thuận đón trên 4,2 triệu lượt du khách với doanh thu du lịch đạt 7.600 tỷ đồng.

Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết: Với bờ biển dài gần 200 km, được thiên nhiên ưu đãi, những năm gần đây tỉnh đã khai thác có hiệu quả các loại hình kinh tế du lịch ven biển, nhất là thể thao trên biển; tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa truyền thống miền biển… Tính đến tháng 8/2016, toàn tỉnh có 388 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất 6.183 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư là 54.072 tỷ đồng (trong đó có 23 dự án đầu tư nước ngoài), một số dự án có quy mô lớn từ 200-500 ha. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng với 417 cơ sở lưu trú, tổng số 13.120 phòng và hơn 300 căn hộ, biệt thự cho khách du lịch thuê.

Bình Thuận hiện đã trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch kết hợp chơi thể thao, du lịch tín ngưỡng, du lịch hội nghị… góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của Bình Thuận. GRDP (tổng sản phẩm nội tỉnh) du lịch tăng hàng năm 5,5%/năm, năm 2015 GRDP du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 7,6% GRDP của tỉnh, giải quyết nhiều công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động ở địa phương, đặc biệt là lao động nông thôn, lao động các vùng ven biển. Mặt khác, du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn.

* Mũi nhọn khai thác hải sản xa bờ

Với ngư trường rộng lớn khoảng 52.000km2, Bình Thuận còn có tiềm năng rất lớn về khai thác hải sản. Đây là một trong những ngư trường lớn của cả nước, có nguồn lợi hải sản phong phú. Diện tích các bãi bồi, bãi triều ven sông và cận bờ biển có thể nuôi tôm bán thâm canh. Đảo Phú Quý có thể nuôi cá lồng bè và các loại hải sản khác... Đến nay, tỉnh đã có 4 trung tâm nghề cá gồm: Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa và huyện đảo Phú Quý; cơ cấu nghề khai thác hải sản chuyển dịch đúng hướng, thuyền công suất lớn tăng. Đặc biệt, Bình Thuận đã bước đầu phát huy hiệu quả mô hình khai thác xa bờ, gắn với dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế biến, bảo quản sản phẩm trên biển, xây dựng mô hình tổ đoàn kết khai thác hải sản.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiện nay, tổng số tàu, thuyền toàn tỉnh là gần 8.000 chiếc với tổng công suất gần 738.000 CV, trong đó có khoảng 2.000 tàu, thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế sản phẩm trên biển. Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập trên 620 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với sự tham gia của hơn 4.000 thuyền công suất lớn. Đến nay, tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập 5 nghiệp đoàn nghề cá tại 4 huyện, thị, thành phố với 72 tàu đánh bắt xa bờ và sự tham gia của 746 đoàn viên nghiệp đoàn. Đây là những mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.

Nhờ đầu tư tàu công suất lớn bám biển dài ngày, hàng năm ngư dân Bình Thuận khai thác khoảng 190.000 tấn hải sản các loại. Cùng với khai thác, nghề nuôi trồng thủy sản, sản xuất, tiêu thụ tôm giống cũng phát triển mạnh, hàng năm sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 15.000 tấn; sản xuất tiêu thụ hơn 22 tỷ con tôm giống. Bình Thuận là tỉnh đi đầu cả nước trong phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần thu mua hải sản trên biển với hơn 100 tàu công suất lớn, chuyên thu mua hải sản tại vùng biển Trường Sa, Nhà giàn DK1…

* Để khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển 

Nhờ khai thác hiệu quả kinh tế biển trong những năm qua, đến nay Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm du lịch biển lớn nhất cả nước với tên gọi “Thủ đô resort của Việt Nam”. Bên cạnh đó, Bình Thuận hiện là một trong 3 ngư trường khai thác hải sản lớn nhất của cả nước. Vì vậy, để khai thác hiệu quả bền vững kinh tế biển trong thời gian đến, Bình Thuận đã đề ra các chính sách, biện pháp để huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển đảo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Tỉnh đã đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế biển cao gấp 1,3 lần tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh trong giai đoạn 2016-2020; trong đó ngành thủy sản tăng bình quân 10%/năm, công nghiệp chế biến thủy sản tăng 75%/năm, du lịch 19,3%/năm và đến năm 2020 sản lượng nước mắm đạt 42 triệu lít, xuất khẩu thủy sản đạt 170 triệu USD... Để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết cần khắc phục cho được tình trạng chồng lấn các quy hoạch, trên cơ sở rà soát và triển khai thực hiện tốt quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, tỉnh Bình Thuận cũng đã đề ra Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Bình Thuận tập trung thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm khai thác hiệu quả nền kinh tế biển như: tTiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực liên quan đến biển, đảo và kết cấu hạ tầng vùng biển, hải đảo; cụ thể hóa và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy kinh tế biển phát triển vững chắc. Tỉnh khuyến khích, thu hút và ưu tiên các nguồn lực đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển có lợi thế so sánh gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng biển. Cùng với đó, Bình Thuận tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đô thị ven biển và hải đảo; thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động./. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm