Đoàn viên thanh niên Trường THPT Ngọc Lặc tham gia dọn vệ sinh môi trường tại xã Quang Trung. Ảnh: thanhhoa.gov.vn |
Bà Lê Thị Nhi, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ngọc Lặc cho biết, để thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng và vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc xây dựng nông thôn mới tại các xã và tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kĩ thuật, phát triển sản xuất cho người dân. Năm 2018, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới huyện đã tổ chức 22 lớp tập huấn cho người dân, cán bộ các thôn về thực hiện tiêu chí môi trường, nhà ở và điện. Huyện đã vận động được 301 hộ dân hiến 10.532 m2 đất, xây hơn 14.000 lò đốt, hố xử lý rác thải, làm mới 2.390 nhà vệ sinh, huy động người dân đóng góp 36.199 ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các khối đoàn thể chính trị đã tổ chức 475 lượt tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới với 48.916 lượt người tham gia; trong đó, hội phụ nữ đã thành lập 8 chi hội kiểu mẫu 5 không 3 sạch với 802 thành viên. Đoàn thanh niên đã trồng mới 29 km đường hoa, 814 cây xanh, tổ chức 9 buổi vệ sinh môi trường với 2800 lượt đoàn viên tham gia. Cũng trong năm 2018, huyện Ngọc Lặc được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp 20 tỷ để xây dựng các công trình hạ tầng. Huyện đã xây 77,63 km đường giao thông, nâng cấp 9,23 km đường nội đồn và 16 công trình hồ đập; xây mới, nâng cấp 31 nhà văn hóa thôn, 3 nhà văn hóa xã, 50 cổng chào và cổng làng, 11 công trình trường lớp học. Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã dùng số tiền 840 triệu được cấp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ phát triển sản xuất cho 63 hộ dân. Nhằm giúp người dân có thêm mô hình mới phát triển kinh tế, huyện đã thực hiện 2 mô hình trồng trọt, 15 mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến bộ. Hiện nay, huyện có 15 hợp tác xã và 190 gia trại đang hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng thực hiện phong trào toàn dân cùng xây dựng đời sống văn hoá gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trong huyện lên 38 trường, nâng số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế lên 15, số người được giải quyết việc làm 2.125. Tại xã Phúc Thịnh, giai đoạn 2010-2016 xã thuộc diện thụ hưởng nguồn vốn của chương trình 135. Để trở thành xã nông thôn mới, từ năm 2014 tới nay xã đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho người dân về phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới cho 1.000 lượt người và kêu gọi được 4 doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện xã đã được tỉnh ra quyết định đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 12/2018. Anh Phạm Văn Duy, thôn Trạc, xã Phúc Thịnh cho biết, năm 2016 anh được chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật trong phát triển kinh tế nông nghiệp, anh đã mua các giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế bằng cách thực hiện mô hình trang trại tổng hợp. Nhờ sự kiên trì chịu khó làm ăn, trang trại anh đã dần phát triển, hiện anh đang nuôi 4.000 con gà, 1 ha trồng bưởi, cam, 0.5 ha rau màu cây hái quả, thu nhập 200 triệu/năm, anh còn tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương 3-4 triệu/người/tháng. Ngoài ra, anh còn luôn góp nhiều công sức làm đường giao thông và vận động người dân cùng đóng góp xây dựng nông thôn mới. Ông Lê Bá Ngọc, Bí thư đảng ủy xã Phúc Thịnh cho biết, năm 2018, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới với thu nhập đầu người đạt 34,2 triệu/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo năm 2012 đạt 44,02 % giảm còn 4,51 %/năm. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục củng cố và giữ vững các tiêu chí và tiếp tục vận động bà con cùng bảo vệ thành quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài xã Phúc Thịnh, tại các xã Đồng Thịnh, Cao Thịnh, Ngọc Liên, Lam Sơn cũng đã hoàn thành tốt công tác xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đã đạt nhiều thành công, nhưng công tác xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế do công tác tuyên truyền còn kém, đối với các xã, thôn đã đạt chuẩn nông thôn mới tự mãn, hài lòng nên không thường xuyên chỉ đạo duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí. Theo bà Lê Thị Nhi, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Ngọc Lặc cho biết thêm, trong năm 2019, huyện Ngọc Lặc sẽ thực hiện chỉ tiêu mỗi xã hàng năm phải có 1 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn Kiên Thọ, Ngọc Sơn và 10 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, huyện sẽ yêu cầu các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới phải huy động các nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình gia trại, trang trại chăn nuôi theo hình thức liên kết nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Nam