Kiều bào với Trường Sa: Bài 1 - Hành trình về với sự thật

Kiều bào với Trường Sa: Bài 1 - Hành trình về với sự thật

Bài 1:  HÀNH TRÌNH VỀ VỚI SỰ THẬT

“Trường Sa như thế nào? Có đúng là Trường Sa đã bị mất không? Có một số người đã đặt vấn đề với tôi như thế khi biết tôi vừa trở về sau chuyến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Khi nghe được điều đó, tôi không trách họ, vì biết họ không có cơ hội được chứng kiến những gì chúng tôi đã đi và thấy. Thế nên, từ sự chứng kiến của mình, tôi đã kể lại sự sống động của các điểm đảo qua những bức ảnh, những clip và bài thơ mà tôi trải nghiệm trong chuyến đi. Và từ đó, họ tin Trường Sa đang hoàn toàn là của Việt Nam". Đó là câu chuyện cách đây 4 năm của ông Thái Bá Y, Phó Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk sau chuyến đi thăm Trường Sa lần đầu tiên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức. Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng, đâu đó vẫn còn những kiều bào đang hoài nghi về vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, thế nhưng nếu họ được tận mắt chứng kiến cũng như tham gia chuyến hải trình đặc biệt như thế này thì thế giới quan đó sẽ khác đi. 

Các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa ký tên trên lá cờ Tổ quốc tặng kiều bào. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN
Các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa ký tên trên lá cờ Tổ quốc tặng kiều bào. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN

* Sự thật sáng tỏ 

Mặc dù năm nay đã 70 tuổi nhưng nhà báo Nguyễn Phương Hùng, Tổng biên tập Đài KBC hải ngoại (Hoa Kỳ) vẫn “đắm đuối” với vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đây là lần thứ ba ông tham gia chuyến đi thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa. Từng chặng hải trình, tuyến đảo đều được ông ghi lại những hình ảnh về tình cảm của kiều bào đối với các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. “Nếu tôi không về Việt Nam, không tham gia những chuyến đi thăm Trường Sa, tôi cũng tin vào những lời bóp méo sự thật ở hải ngoại đó là biển đảo của chúng ta đã bị mất”, nhà báo Nguyễn Phương Hùng cho biết. 

Đối với bà Trương Kim Anh, nguyên cố vấn đối ngoại cộng đồng người Châu Á của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, những trải nghiệm trong chuyến đi này đã làm thay đổi thế giới quan xoay quanh vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bà Trương Kim Anh chia sẻ, có những lúc bản thân bà cảm thấy tức giận, bức bối khi nghe những thông tin Trung Quốc chiếm giữ trái phép một số điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Khi đến đây rồi, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính, bà mới hiểu và nhận ra đất nước Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình. 

"Tôi nghe những thông tin: chúng ta đã mất đảo hoặc không bảo vệ được, nhưng khi đến đây, được chứng kiến tận mắt, tôi mới biết rằng thông tin đó hoàn toàn không đúng sự thật", bà Trương Kim Anh nói. 

Những thông tin một chiều, phiến diện dần được gỡ bỏ khi mọi người được đặt chân tới các điểm đảo thiêng liêng của quê hương. Theo anh Ngô Bá Hải, kiều bào Ucraina, nếu chỉ nghe thông tin phiến diện, một chiều từ một số tổ chức, tờ báo hải ngoại, tôi cũng thấy dao động nhưng đặt chân đến đây tôi thấy rằng tất cả những điều đó đều không đúng. 

* Hiểu hơn về biển đảo Việt Nam 

Trong số những kiều bào tham gia chuyến hải trình đặc biệt lần này, vợ chồng ông Bùi Bản và bà Nguyễn Thị Thu là những người Việt ở New Caledonia (Pháp) đầu tiên được đặt chân tới Trường Sa. Khi nhận được lời đề nghị tham gia chuyến đi này, ông bà đang về Việt Nam du lịch và quyết định lùi thời gian trở về New Caledonia hơn một tháng để tham gia. Nhiều năm sống xa quê, ông Bùi Bản và bà Nguyễn Thị Thu luôn nghĩ mình là những người con bị lãng quên nên khi trở về và được tham gia chuyến đi đặc biệt này đối với họ là sự kiện lớn trong đời. “Nhờ chuyến đi này, chúng tôi mới biết được Trường Sa có rất nhiều điểm đảo và cảm thấy thật may mắn, vinh dự khi được tham gia chuyến đi”, ông Bùi Bản tâm sự. 

Đoàn kiều bào trao tặng tượng trưng số tiền ủng hộ cho cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN
Đoàn kiều bào trao tặng tượng trưng số tiền ủng hộ cho cán bộ chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Hứa Chung – TTXVN

Theo bà Nguyễn Thị Thu, cộng đồng người Việt tại New Caledonia hiện có khoảng 10.000 người, cùng tham gia vào Hội Ái hữu Việt Nam. Hàng năm, Hội đều tổ chức các buổi gặp mặt thành viên để đưa các thông tin liên quan đến Việt Nam một cách rộng rãi. Thế nhưng, những người Việt ở đây lại không có nhiều thông tin về vấn đề chủ quyền biển đảo. Những thông tin trên báo chí mà họ nhận được hầu như đều mang tính cực đoan. Do đó, việc được tận mắt thấy, tai nghe có ý nghĩa đối với cộng đồng người Việt ở New Caledonia. 

Trong suốt hành trình đặc biệt này, ông Bùi Bản và bà Nguyễn Thị Thu đã chụp và quay khá nhiều hình ảnh, ghi lại hải trình qua các điểm đảo và dự định khi trở về New Caledonia sẽ làm một cuốn phim để chiếu cho bà con gốc Việt xem. Bà Thu cho biết: “Khi trở về New Caledonia, chúng tôi sẽ kể lại hành trình của mình với Chủ tịch Hội Ái hữu Việt Nam và những người kiều bào ở đây trong lúc họ đang còn mơ hồ về vấn đề biển đảo. Hi vọng bà con hiểu hơn và có nhiều đóng góp cho biển đảo Việt Nam. Chúng tôi cũng hi vọng những năm sau, những người Việt ở New Caledonia sẽ tiếp tục được tham gia các chuyến đi như thế này để hiểu rõ hơn về quê hương đất nước của mình”./. 

( Mời đọc tiếp Bài 2: Trường Sa không xa!)

 

Có thể bạn quan tâm