Mô hình cá nâu - tôm sú hiệu quả của ông Lê Văn Vững, ấp Kinh Mới, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN |
Bà Phan Thị Ngọc Bằng, Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Sơn Bình cho biết, cuối năm 2017, phòng Nông nghiệp và Kinh tế hạ tầng huyện Hòn Đất cùng với sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ Kiên Giang đã kết hợp thực hiện thử nghiệm mô hình nuôi cá nâu - tôm sú trong ao đất ven biển tại xã Sơn Bình.
Mục tiêu là xây dựng quy trình nuôi ghép cá nâu với tôm sú thương phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ven biển Hòn Đất, chuyển giao cho nông dân nhân rộng, phát triển sản xuất an toàn, bền vững và hiệu quả trước diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Theo đó, mô hình triển khai thực hiện trên diện tích 4 ha của 2 hộ dân là ông Lê Văn Vững, ấp Kinh Mới và bà Nguyễn Thị Tuyết Lệ, ấp Giàn Gừa. Tổng chi phí sản xuất hơn 280 triệu đồng; trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học hỗ trợ gần 64 triệu đồng, số còn lại do nông dân đầu tư; lợi nhuận gần 464 triệu đồng.
Bà Phan Thị Ngọc Bằng, chủ nhiệm đề chia sẻ: “Thực hiện đề tài, chúng tôi khảo sát, chọn địa điểm, xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật cho hộ dân tham gia và thả giống tôm sú vào trung tuần tháng 10/2017, mật độ 3 con/m²; sau đó 1,5 tháng thả cá nâu, mật độ 2 con/m².”
Kết quả thả nuôi 1,6 tấn cá nâu giống cho thu hoạch 6 tấn cá thương phẩm và thả 120.000 con tôm giống thu được 2,8 tấn tôm sú hàng hóa.
Trực tiếp tham gia mô hình, nông dân Lê Văn Vững, ấp Kinh Mới, xã Sơn Bình phấn khởi cho biết, mô hình nuôi cá nâu lồng ghép với tôm sú đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Nguồn cá nâu con đặt mua của những người đánh bắt ngoài biển tự nhiên, nhưng rất khan hiếm, mất nhiều thời gian để mua gom mới đủ giống thả nuôi. Sau 6 tháng nuôi, chọn bắt cá lớn đạt trọng lượng, kích cỡ bán trước.
Với 800 kg cá nâu giống nuôi xen với 60.000 con tôm sú giống trên diện tích 2 ha, ông Vững đã thu hoạch 2,5 tấn cá nâu và 1,3 tấn tôm sú, thu về trên 300 triệu đồng. Trừ chi phí sản xuất lợi nhuận khoảng 140 triệu đồng, nhưng cá và tôm vẫn còn một số dưới ao, chưa thu hoạch hết.
Mô hình cá nâu - tôm sú hiệu quả của ông Lê Văn Vững, ấp Kinh Mới, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: TTXVN |
Ưu điểm của mô hình là quá trình nuôi cá nâu lồng ghép với tôm sú rất thuận lợi, môi trường không bị ô nhiễm do cá nâu ăn sạch lượng thức ăn thừa của tôm và rong rêu trong ao đầm, không xảy ra dịch bệnh gây hại, tôm, cá lớn nhanh...
Bà Phan Thị Ngọc Bằng, Tổ Kinh tế kỹ thuật xã Sơn Bình cho hay, qua hội thảo rút kinh nghiệm và đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, mô hình nuôi cá nâu xen canh tôm sú trong ao đất ven biển thực hiện tại xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực.
Nông dân được hỗ trợ 30% giá trị con giống và 30% giá trị vật tư thiết yếu; tiếp nhận quy trình kỹ thuật về chuẩn bị ao nuôi, cách chọn và thả giống, chăm sóc và xử lý các tình huống thực tế; vốn đầu tư không quá lớn, thích hợp với khả năng tài chính của nông dân, góp phần giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho nông dân.
Đây là mô hình nuôi thuỷ sản xen canh tạo được lợi nhuận kép trên một đơn vị diện tích sản xuất, không xảy ra dịch bệnh gây hại, có khả năng ứng phó trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất lợi và khai thác tiềm năng, lợi thế đất ven biển của địa phương, mở ra hướng phát triển mới trong nuôi trồng thuỷ sản.
Tuy nhiên, bà Bằng cũng cho rằng, quá trình thực hiện thử nghiệm mô hình nuôi ghép cá nâu với tôm sú thương phẩm nảy sinh những khó khăn, bất cập. Đó là nguồn giống cá nâu phụ thuộc vào thu gom ngoài tự nhiên, chưa chủ động được con giống, tỷ lệ hao hụt cao.
Do đây là mô hình mới, bước đầu thử nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm thực tế, vừa làm vừa học và rút kinh nghiệm, giá cá nâu thương phẩm trên thị trường thấp...
Huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang có chiều dài bờ biển gần 50 km, diện tích nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch hơn 4.600 ha. Tuy nhiên, nuôi tôm nhìn chung còn hạn chế, năng suất thấp và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh gây hại, rủi ro cao, việc đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng thủy sản chưa được quan tâm đúng mức để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của huyện.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho hay việc thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá nâu xen canh tôm sú trong ao đất ven biển là một tín hiệu vui cho địa phương và bà con nông dân, bởi tính hiệu quả, an toàn và bền vững của mô hình. So với các mô hình thủy sản khác thì mô hình này có vốn đầu tư tương đối thấp, phù hợp với trình độ quản lý và khả năng tài chính của người dân, đem lại cho nông dân hai nguồn lợi cá nâu và tôm sú trên một diện tích, cùng thời gian, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương. Xã sẽ nhân rộng mô hình này trong những mùa vụ tới, hỗ trợ bà con sản xuất hiệu quả, tăng thêm thu nhập kinh tế vùng ven biển.
Mô hình cá nâu - tôm sú hiệu quả của ông Lê Văn Vững, ấp Kinh Mới, xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN |
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Kiên Giang cho biết, Sở sẽ hoàn thiện quy trình kỹ thuật và hỗ trợ Hòn Đất nhân rộng mô hình nuôi ghép cá nâu với tôm sú thương phẩm này trên địa bàn huyện. Đồng thời, chuyển giao quy trình kỹ thuật cho Trung tâm khuyến nông Kiên Giang để nhân rộng ra ở các huyện ven biển khác. Điều này nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng lợi nhuận kép trên một đơn vị diện tích, khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản ven biển. Mô hình này không chỉ mở ra hướng đi mới trong điều kiện sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn tạo ra nguồn sản phẩm sạch, chất lượng cao, cung ứng cho tiêu thụ nội địa và chế biến xuất khẩu.
Cùng với đó, Sở Khoa học Công nghệ Kiên Giang triển khai thực hiện mô hình sinh sản nhân tạo cá nâu giống và chuyển giao công nghệ cho nông dân để chủ động nguồn giống thả nuôi, phát triển sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả.
Lê Huy Hải