Kiên Giang có thêm huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 18/3, tại thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố, trao Quyết định số 154/QĐ-TTg, ngày 06/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện An Biên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

vna_potal_kien_giang_cong_bo_huyen_an_bien_dat_chuan_nong_thon_moi_7276331.jpg
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện An Biên đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung đề nghị huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Mặt khác, huyện tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Ông Nguyễn Lưu trung cũng lưu ý huyện cần quan tâm đẩy nhanh thực hiện hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), liên kết chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập người dân.

Bên cạnh đó, huyện nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục, quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Phát huy vai trò tự quản, sự tham gia của người dân đối với công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.

Mặt khác, tiếp tục huy động, phát huy vai trò nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, người dân và cộng đồng; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo An Biên theo hướng đô thị hóa nông thôn. Đẩy mạnh triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và nâng cấp đô thị của huyện thành đô thị loại IV, trung tâm của vùng trong giai đoạn mới.

Huyện An Biên nằm trong vùng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, diện tích tự nhiên hơn 40.000 ha, có 8 xã và 1 thị trấn, khoảng 30.617 hộ, với hơn 116.650 khẩu. Khi thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, An Biên có điểm xuất phát thấp, hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều so với yêu cầu của tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngành nghề chưa phát triển, còn sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ đạt gần 16 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 15%.

Đáng lưu ý, huyện An Biên có thế mạnh phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất gần 36.000 ha, trong đó, đất trồng lúa hơn 27.310 ha, nuôi trồng thủy sản trên 3.200 ha. Huyện hình thành 5 khu vực sản xuất tập trung và phát triển 2 sản phẩm chủ lực là lúa - gạo và tôm nước lợ, chú trọng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa - tôm theo hướng sạch, hữu cơ; phát triển các mô hình nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đa dạng loài thủy sản có giá trị kinh tế như tôm, cua, cá...Ngoài ra, vùng bãi bồi ven biển khoảng 10.000 ha phát triển nuôi nhuyễn thể.

Tiếp đến, hạ tầng thương mại nông thôn tại 8 xã đảm bảo, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hóa trên địa bàn nông thôn; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, mạng internet đến từng ấp. Trên địa bàn huyện An Biên không có nhà tạm, dột nát; người dân có nhà ở đạt chuẩn theo quy định là 24.730 hộ, đạt 91% so với số hộ toàn huyện.

vna_potal_kien_giang_cong_bo_huyen_an_bien_dat_chuan_nong_thon_moi_7276336.jpg
Tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới huyện An Biên. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Ngoài ra, huyện có 47/47 trường đạt xanh - sạch - đẹp, an toàn; 33/47 trường học đạt chuẩn quốc gia, với cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt nhu cầu giang dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Trung tâm Y tế huyện đạt chuẩn hạng III và 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố được công nhận đạt chuẩn Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế phục vụ tốt việc khám chữabệnh cho nhân dân.

Giai đoạn 2011 - 2022, huyện An Biên đã huy động nguồn lực tài chính xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí đã thực hiện hơn 1.536 tỷ đồng. Huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, các công trình triển khai đều có kế hoạch bố trí, phân bổ vốn đảm bảo theo quy định và hiệu quả đầu tư.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Biên Nguyễn Công Trận chia sẻ, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được tập trung nâng cấp, xây dựng mới. Ðời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố kiện toàn ngày càng vững mạnh.

Thời gian tới, huyện An Biên sẽ chủ động xây dựng các chương trình kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các ban ngành đoàn thể đảm nhận từng tiêu chí, lĩnh vực; quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; bình quân thu nhập đạt 70 - 75 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%; có 100% trường học đạt tiêu chí xanh -sạch - đẹp, 37 trường đạt chuẩn quốc gia...

Đến năm 2030, An Biên có từ 5 xã nông thôn mới nâng cao, 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu trở lên, phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Xây dựng nông thôn mới huyện An Biên có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản, đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao giá trị, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Hơn nữa, huyện phát huy tốt quy hoạch vùng, gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - du lịch; gắn phát triển nông thôn với đô thị; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.

vna_potal_kien_giang_cong_bo_huyen_an_bien_dat_chuan_nong_thon_moi_102328057_7276340.jpg
Cổng chào huyện nông thôn mới An Biên. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Huyện hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn, nâng cao tỷ lệ đường trục ấp được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải, duy tu, sửa chữa,bảo dưỡng các tuyếnđường huyện, đường xã. Hoàn thiện các hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đến năm 2025 đạt từ 98% trở lên, tỷ lệ cống đập, trạm bơm điện được kiên cố hóa từ 95% trở lên.

Đặc biệt, xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn huyện, hoàn chỉnh hệ thống cấp điện theo quy hoạch, tăng cường duy tu, nâng cấp hệ thống điện đảm bảo kỹ thuật cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân…

Huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hiện đại, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo chuỗi giá trị. Trong số đó, ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP kết hợp du lịch nông thôn. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ.

Dịp này, UBND tỉnh Kiên Giang tặng 25 bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới huyện An Biên.

Lê Huy Hải

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm