Ngày 16/12, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai làm Trưởng đoàn, đã làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với rét đậm, rét hại kéo dài trong năm 2020 tại tỉnh Lai Châu.
Năm 2020, địa bàn tỉnh Lai Châu xảy ra 15 đợt mưa lớn, mưa đá, gió lốc, 01 trận động đất làm 5 người chết và 18 người bị thương; 8.521 ngôi nhà bị thiệt hại, hư hỏng; 3.568 ha cây trồng các loại bị gãy, dập, ảnh hưởng; hơn 2.700 con gia súc, gia cầm bị chết, 8 lồng cá bị thiệt hại.
Cơ sở hạ tầng gồm: một cầu treo bị sập; 65 công trình thủy lợi, 5 trụ sở cơ quan, 19 điểm trường, 4 công trình văn hóa, một đồn Biên phòng bị thiệt hại, ảnh hưởng. Một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã, liên bản bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông, khối lượng sạt lở trên 900.000 m3 đất, đá. Ước tổng thiệt hại trên 255 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu và các cấp huyện đã khẩn trương thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo công tác tìm kiếm người mất tích và giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. UBND tỉnh Lai Châu đã bổ sung số tiền hơn 7,5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2020 cho các huyện Phong Thổ, Nậm Nhùn, Tân Uyên và thành phố Lai Châu để thực hiện khắc phục hậu quả do thiên tai (hỗ trợ gia đình có người chết, mất tích, bị thương; khôi phục nhà bị sập, trôi, di dời nhà khẩn cấp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, diện tích thủy sản bị thiệt hại).
Tại cuộc làm việc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến yêu cầu, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cùng các ban, ngành triển khai công tác phòng chống rét đậm, rét hại tại địa phương theo Công điện số 39/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về việc ứng phó với rét đậm, rét hại. Đặc biệt, trong thời gian tới, địa phương cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến của thời tiết; thành lập các đoàn kiểm tra phòng chống rét đậm, rét hại tại cơ sở để nắm bắt rõ tình hình. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa trong việc phòng rét cho người già và trẻ em; tuyên truyền đến nhân dân về sự nguy hiểm của thiên tai; sớm có phương án di dân đến vùng an toàn do ảnh hưởng của sạt lở đất…
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã thị sát, kiểm tra dự án Kè chống xói lở bờ suối Hoàng Hồ và đập Hoàng Hồ ở thị trấn Sìn Hồ.
Về công tác quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng và vận hành công trình phòng chống thiên tai, ông Vương Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, trước mùa mưa lũ, tỉnh Lai Châu cùng các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn hồ, đập, hệ thống kênh mương, công trình thủy lợi, kè bảo vệ khu dân cư, đất nông nghiệp để đánh giá hiện trạng công trình. Tỉnh có kế hoạch củng cố, sửa chữa, khắc phục, nâng cấp kịp thời đảm bảo tiêu thoát lũ, chống sạt lở đất trong mùa mưa, lũ; duy trì nguồn nước tưới tiêu ổn định, khắc phục hạn hán; chuẩn bị lực lượng, các phương tiện kỹ thuật để bảo vệ hồ đập, nhất là các công trình xung yếu; có phương án bảo vệ an toàn hồ, đập trọng điểm; các hồ đập thủy điện đều đã xây dựng phương án bảo vệ đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, hồ chứa theo quy định.
Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có tổng đàn 304.270 con gia súc, 1.540 nghìn con gia cầm. Việc chống rét cho gia súc, gia cầm trong mùa đông là một trong những công việc quan trọng của người dân vùng cao vùng cao tỉnh Lai Châu.
Nguyễn Oanh