Mẫu máu được lấy để mang đi xét nghiệm tại Trường Mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN |
Trong văn bản nêu rõ: Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp đảm bảo vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm.
Các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học, Chỉ thị số 4326/CT-BGDĐT ngày 12/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, các văn bản hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh về việc đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Các trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo đúng quy định. Đồng thời, các sở giáo dục cần tăng cường vệ sinh trường học để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết giao mùa dễ bùng phát dịch bệnh.
Nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Cụ thể, các em học sinh cần rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại trường học, ăn chín, uống chín, thay đổi thói quen, phong tục tập quán có nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm…Đồng thời, các nhà trường phải đảm bảo dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi, thể trạng của trẻ em, học sinh...
Ngành Giáo dục, ngành Y tế tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường nhằm giám sát công tác vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh.