Dãy núi Hồng Lĩnh là một trong những vùng có diện tích rừng lớn tại tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng ở dãy núi này. Trước tình hình đó, các đơn vị, địa phương đã “kích hoạt” nhiều phương án phòng, chống cháy rừng trên diện rộng.
Nhiều khó khăn, thách thức
Dãy núi Hồng Lĩnh trải dài trên địa bàn 4 địa phương gồm: huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh. Hiện nay, việc quản lý, bảo vệ rừng tại những khu vực trên do Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh thực hiện. Đơn vị này đang quản lý trên 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 5.900 ha rừng trồng và 780 ha rừng tự nhiên. Đây là những khu rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy, nhất là vào mùa nắng nóng. Loài cây chủ yếu tại đây là thông nhựa và keo, thảm thực bì gồm các loài như sim, mua... Nơi đây có nhiều di tích, danh thắng như chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Đại Hùng, chùa Hang, chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên… Do đó, hoạt động du lịch phát triển, lượng người vào rừng phòng hộ ngày càng đông dẫn đến nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.
Theo đánh giá của đơn vị quản lý rừng, khu vực này có nhiều nhà dân sống sát với rừng phòng hộ và nhiều khu lăng mộ được an táng cạnh rừng. Vì vậy, các hoạt động đốt rác, xử lý thực bì, thắp hương... đều dễ dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn. Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân cho hay, địa bàn đơn vị quản lý rất phức tạp, có nhiều núi cao, dốc. Trong khi đó, rừng Hồng Lĩnh chủ yếu là rừng thông, thông xen keo, đều là những loài cây dễ bắt lửa và dễ cháy lớn. Với đặc thù của địa bàn có nhiều đền, chùa ở ngay trong rừng phòng hộ nên lượng du khách đến khu vực này rất lớn, trung bình mỗi ngày hàng nghìn người vào rừng; tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hanh.
Can Lộc là một trong những huyện có diện tích rừng thuộc dãy Hồng Lĩnh tương đối lớn. Toàn huyện hiện có gần 8.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, rừng tự nhiên chiếm 401 ha và rừng trồng khoảng 6.100 ha. Phần lớn diện tích là rừng trồng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như phòng cháy, chữa cháy gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hồng Phương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc đánh giá, do tốc độ trồng rừng sản xuất trên địa bàn tăng cao nên tác động của con người đến rừng rất lớn. Ngoài ra, thời tiết khắc nghiệt, diễn biến phức tạp; đặc biệt là mùa nắng nóng liên tục kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9 đã làm tăng nguy cơ cháy rừng. Những hoạt động sản xuất lâm nghiệp như xử lý thực bì để trồng rừng và hoạt động tâm linh (như thắp hương, hóa vàng mã... trong các nghĩa trang, khu di tích, đền chùa, miếu) cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ phát lửa, xảy ra cháy rừng.
Nỗ lực “canh lửa, giữ rừng”
Tại cửa rừng thuộc xã Thuần Thiện (huyện Can Lộc) từ nhiều ngày nay, khi mức độ cháy rừng được cảnh báo ở cấp độ 3, chốt kiểm soát liên ngành đã được thành lập. Tại đây, các lực lượng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh và chính quyền địa phương phối hợp canh gác, kiểm soát người, phương tiện ra vào. Ông Tạ Trọng Lưu, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Thuần Thiện cho biết, các lực lượng tại chốt kiểm soát được phân công trực từ 6 giờ đến 18 giờ. Hằng ngày khi có người đi vào rừng, các lực lượng sẽ kiểm tra, ghi chép lại thông tin cá nhân, biển số xe, mục đích vào rừng, giờ vào và giờ ra để quản lý. Đồng thời, các lực lượng tiến hành tuần tra tại các vị trí được giao để kịp thời xử lý những nguy cơ dẫn đến cháy rừng.
Bước vào mùa nắng nóng năm 2024, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng lập 19 chốt kiểm soát người ra vào khu vực rừng trọng điểm cháy; thành lập 10 tổ xung kích chữa cháy rừng với 237 người tham gia; bố trí 40 điểm trực, chòi canh phát hiện sớm lửa rừng trên lâm phần được giao quản lý, trong đó có 5 điểm trực chính tại các chòi canh của các trạm có tầm quan sát rộng. Ông Nguyễn Hải Vân, Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết, ngay từ đầu năm 2024, đơn vị đã chủ động xây dựng và triển khai phương án bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với những khu vực có đền, chùa, miếu, đơn vị quan tâm, tập trung thực hiện các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng như đường băng cản lửa, đường đi chữa cháy. Đơn vị đã xây dựng, tu sửa gần 70 km đường băng cản lửa, 95 km đường đi chữa cháy; phát dọn hơn 220 ha thực bì; phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền để du khách, người dân sống ven rừng và có những hoạt động trong rừng nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng.
Để nâng cao hiệu quả công tác cảnh báo, phòng, chống cháy rừng tại khu vực dãy Hồng Lĩnh và các địa phương khác, Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc đã được trang bị hệ thống camera phát hiện sớm lửa rừng. Các “mắt thần” này được kết nối với các thiết bị di động, máy tính đăng ký cấp quyền sử dụng trên hệ thống giám sát; giúp tăng cường và đồng bộ hóa công tác ứng phó, cảnh báo phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc Nguyễn Hồng Phương chia sẻ, việc đưa vào vận hành camera giám sát lửa rừng sẽ hỗ trợ lực lượng trực báo cháy, góp phần ngăn chặn kịp thời các đám cháy. Tín hiệu camera ghi nhận có hình ảnh khá sắc nét, tầm quan sát rộng gần 10 km và được cập nhật liên tục. Từ đó, giúp lực lượng chuyên trách rút ngắn thời gian xác minh thông tin, cũng như theo dõi, phòng, chống cháy rừng hiệu quả hơn so với cách thức thông thường.
Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Hạt Kiểm lâm huyện Can Lộc đã xây dựng phương án “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy tại chỗ); thành lập đội xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 với 90 thành viên; phát dọn, giảm vật liệu cháy trên diện tích 300 ha. Ngoài ra, việc trực cháy và trực chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng được các đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm túc theo quy định, lịch phân trực được niêm yết công khai tại trụ sở các đơn vị. Vào những ngày nắng nóng, các đơn vị bố trí trực 24/24 giờ với 100% quân số, đảm bảo ứng cứu kịp thời khi có phát lửa, cháy rừng xảy ra.
Hữu Quyết