Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo tại thôn 1, xã Bình Minh (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) được xây dựng từ năm 2011 đã trở thành nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc S’tiêng. Những nhà dài, làng nghề truyền thống và nơi sinh hoạt cộng đồng được xem là nét đặc trưng tiêu biểu nhất cho đời sống sinh hoạt của người đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc bản địa mà còn là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử
Trong những năm qua, công tác phát triển văn hóa, đặc biệt là công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng quan tâm thực hiện và tạo điều kiện phát triển. Năm 2018, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được chuyển giao về cho UBND huyện Bù Đăng quản lý. Nhằm đảm bảo hoạt động của Khu Bảo tồn, UBND huyện Bù Đăng thành lập Ban Quản lý Khu Bảo tồn, đồng thời giao nhiệm vụ tham mưu và tổ chức các hoạt động của Khu Bảo tồn cho Phòng Văn hóa Trung tâm huyện.
Kể từ đó, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã tổ chức các hoạt động bảo tồn hiện vật; các làng nghề truyền thống, các làn điệu ca, múa dân gian của người S’tiêng và bảo tồn các lễ hội dân gian… Mỗi năm, Khu Bảo tồn đón tiếp hơn 20.000 lượt người trong và ngoài nước, trong đó có các đoàn khách quốc tế như: Hàn Quốc, Campuchia… Qua đó, hình ảnh của huyện Bù Đăng nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung, bản sắc văn hóa của người S’tiêng được quảng bá tới bạn bè quốc tế.
Ông Điểu Chon, người uy tín ở huyện Bù Đăng cho biết: Những năm qua, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo là không gian văn hóa thu nhỏ của dân tộc thiểu số S’tiêng. Trong đó, những hiện vật mang giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc thiểu số đang được lưu trữ rất phong phú. Nhiều hiện vật văn hóa hiện nay trong đời sống của người dân hầu như không còn hoặc ít sử dụng. Việc lưu giữ mang ý nghĩa quan trọng để thế hệ con cháu biết về giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Tại Khu Bảo tồn, du khách rất ấn tượng khi tham quan khu vực trưng bày chiếc khung dệt vải. Bởi lẽ, từ khung dệt đơn giản tạo ra vô số bộ trang phục lễ hội rực rỡ sắc màu, hoa văn được dệt thủ công. Theo các nghệ nhân dệt thổ cẩm, phụ nữ S’tiêng phải mất một hoặc vài tháng dệt thủ công mới hình thành một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh. Đây chính là nét đẹp văn hóa hình thành lên sự độc đáo trong bản sắc của dân tộc S’tiêng.
Ngoài chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm đầy hoa văn độc đáo, du khách còn được trực tiếp nhìn thấy những hiện vật quý tại Nhà sinh hoạt động đồng, bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn, bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam…
Bà Điểu Thị Xia, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh, huyện Bù Đăng cho biết: Những đồ vật được lưu trữ tại Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đã mang lại cái nhìn mới cho các thế hệ sau khi tham quan tại đây. Tôi cảm thấy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, kế thừa văn hóa đặc sắc của dân tộc. Được thế hệ trước truyền dạy dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, tôi sẽ tiếp tục phát huy, gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau để bảo tồn, duy trì văn hóa của cha ông để lại.
Bên cạnh ý thức giữ gìn, phát huy những hiện vật văn hoá, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo cũng có những đội văn nghệ, cồng chiêng thường xuyên tập luyện để biểu diễn phục vụ du khách tham quan. Khu Bảo tồn còn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động tổ chức các làng nghề truyền thống theo mô hình du lịch cộng đồng, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng.
Xây dựng điểm đến hấp dẫn
Thời gian qua, huyện Bù Đăng đang nỗ lực phát huy tiềm năng vốn có để hướng tới mục tiêu xây dựng Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo trở thành điểm đến độc đáo và hấp dẫn. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Bù Đăng, Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo được đánh giá là địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động du khảo về nguồn cho các em học sinh trong tỉnh. Bên cạnh việc xây dựng chương trình đón tiếp, phục vụ học sinh trong chuyến du khảo, Ban Quản lý Khu Bảo tồn còn chỉnh trang, bổ sung hiện vật, sửa chữa các hạng mục công trình, đồng thời xây dựng văn hóa, tác phong phục vụ chuyên nghiệp nhằm tạo ấn tượng tốt với học sinh đến tham quan.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết: huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ đầu tư sửa chữa, nâng cấp những hạng mục, công trình có liên quan đến truyền thống văn hóa và di sản văn hóa của người S’tiêng như: nhà dài truyền thống, nhà đón tiếp, nhà sinh hoạt cộng đồng… Xây dựng làng nghề truyền thống để tiếp tục bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc S’tiêng.
Ngoài ra, Ban Quản lý tiếp tục sưu tầm hiện vật, phục dựng lễ hội truyền thống của người S’tiêng, xây dựng các đội văn nghệ dân gian, đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bán hàng lưu niệm, sửa chữa nhà dài…
Trong thời gian tới, huyện Bù Đăng tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư đến với Khu Bảo tồn Văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư đến tìm hiểu và xây dựng phương án đầu tư; lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận địa điểm là Khu Bảo tồn và di tích lịch sử, tăng cường công tác quảng bá các di sản văn hóa, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số tại Khu Bảo tồn. Huyện tập trung xây dựng Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo trở thành điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn gắn với bảo tồn văn hóa lịch sử, tạo điểm nhấn và bước đột phá về phát triển du lịch của huyện.
K GỬIH