Đổ xô đi tiêm chủng
Tại điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đường Nguyễn Chí Thanh, chị Nguyễn Thu Nga, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, cứ tần ngần mãi vì chẳng biết phải dắt con đi đâu mới có vắcxin. Chị Nga cho biết: “Cất công đưa con hết Trung tâm Dịch vụ khoa học kĩ thuật và y tế dự phòng (Lò Đúc), rồi mấy mẹ con chạy tới cả Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhưng chẳng nơi nào có vắcxin viêm não mô cầu cho trẻ trên 2 tuổi. Tôi lo lắm.
Trung tâm dịch vụ khoa học kĩ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng hết vắcxin viêm não mô cầu từ nhiều tháng nay. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Không chỉ riêng chị Nga, nhiều bà mẹ khác cũng rất lo lắng về dịch bệnh và hoang mang khi không tìm đâu ra vắcxin để tiêm phòng cho con trẻ. Tại Trung tâm Dịch vụ khoa học kĩ thuật và y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Lò Đúc), câu trả lời mà nhiều bà mẹ nhận được từ nhân viên tại bàn phát số tiêm chủng là: “Vắcxin chưa có, cũng chưa biết khi nào sẽ về”. Một bác sĩ khám nhi tại trung tâm này cũng cho hay: “Vắcxin viêm não mô cầu đã hết hơn 5 tháng nay, chưa rõ khi nào có lại”.
Theo một số chuyên gia y tế, vắcxin phòng viêm não mô cầu hiện được tiêm theo hình thức tiêm chủng dịch vụ, gồm 2 loại vắcxin phòng não mô cầu type A và C của Pháp và type B, C của Cuba. Trong đó, loại vắcxin của Cuba vẫn có hàng nhưng hạn chế, còn loại của Pháp thì dự kiến đến tháng 4 mới được cung cấp trở lại.
Tăng theo mùa
Vậy tại sao đến vắcxin viêm não mô cầu cũng hết? Tình trạng này có làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh? Trả lời câu hỏi này của phóng viên báo Tin Tức, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khẳng định: “Người dân không nên quá lo lắng, vào mùa đông xuân, dịch bệnh viêm màng não mô cầu thường gia tăng. Tính từ năm 2011 tới nay, cả nước có 610 ca; năm 2011, số người mắc bệnh cao nhất lên tới 272 ca. Từ năm 2012, số ca mắc giảm dần. Còn từ đầu năm 2016 tới nay, cả nước ghi nhận dưới 10 ca và xuất hiện rải rác ở một số địa phương, trong đó có 1 trường hợp tử vong”.
Sở dĩ xảy ra tình trạng thiếu vắcxin viêm não mô cầu như nêu trên là do đây là vắcxin dịch vụ (không phải vắcxin nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được Nhà nước cấp ngân sách) nên đơn vị cung cấp chỉ nhập hàng theo nhu cầu.
Trong khi đó, người dân lại không chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, chỉ chờ khi có ca bệnh mới đổ xô đi tiêm chủng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người dân không nên lo lắng về nguy cơ dịch gia tăng do thiếu vắcxin. Ngành y tế vẫn đang kiểm soát tốt tình hình. Để phòng bệnh này, ngay từ cuối tháng 2/2016, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dịch. Hiện nay, tại các ổ dịch, các Trung tâm Y tế dự phòng các địa phương đều tập trung giải quyết, theo dõi và thực hiện các biện pháp cần thiết, không để dịch có nguy cơ lan rộng.
“Tiêm vắcxin là giải pháp phòng bệnh chủ động nhưng không phải là biện pháp phòng bệnh duy nhất. Thực tế, vắcxin có tuýp vi khuẩn nào thì sẽ chỉ phòng được tuýp vi khuẩn đó. Và cũng cần ít nhất 2 tuần đến 1 tháng sau uống vắcxin thì cơ thể mới có kháng thể phòng bệnh…”, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên.Vi khuẩn não mô cầu có nhiều type, thường hay gặp nhất là type A, B và C. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Do đó, trong thời điểm hiện nay, cách tốt nhất để phòng bệnh là người dân phải giữ gìn vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời”.