Phiên họp 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Không đưa người lao động ra nước ngoài làm những công việc phổ thông

Không đưa người lao động ra nước ngoài làm những công việc phổ thông
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Tại tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: So với Luật hiện hành, dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Dự án cũng đã quy định khá chi tiết về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài và việc bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ thành phần theo quy định. Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi, bổ sung chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ, kỹ lưỡng nhằm bảo đảm tính khả thi, Nội dung và chất lượng của hồ sơ cần được quan tâm, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tiếp tục lấy ý kiến của doanh nghiệp, người lao động, cơ quan có liên quan để bảo đảm đầy đủ thông tin, cơ sở để đánh giá toàn diện. Thường trực Ủy ban thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến. Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu từ phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, các ý kiến nhấn mạnh rằng việc ban hành Luật cần hướng tới thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; bảo đảm mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật; hỗ trợ và tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nêu rõ rằng cần phải nhìn nhận hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động theo hợp đồng là một hình thức tạo việc làm ngoài nước cho người lao động, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tổng thể chung việc này đã giải quyết được việc làm, thu nhập cho gia đình người lao động. Nhiều người khi đi lao động hợp pháp có cuộc sống đã khá lên nhưng cũng có những trường hợp đi ra nước ngoài làm những công việc không xứng đáng, ảnh hưởng đến sỹ diện quốc gia, dân tộc và có những trường hợp rất thương tâm. Đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ban hành đã 13 năm nay. Trong thời gian này xã hội đã phát triển, có nhiều thay đổi, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Bộ Luật Lao động đã sửa đổi hai lần, Luật Dạy nghề chuyển thành Luật Giáo dục nghề nghiệp và nhiều luật khác có liên quan cũng đã sửa đổi, bổ sung. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ. Chỉ rõ rằng cần đặc biệt quan tâm ngành nghề, hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Trong điều kiện hiện nay công việc lao động giản đơn sẽ dần được robot thay thế. Việc dạy nghề, đào tạo nghề vì thế cũng cần phải lựa chọn, khuyến khích và chuyển từ các công việc giản đơn sang những công việc có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao hơn. Không nên đưa người lao động ra nước ngoài làm những công việc phổ thông như xây dựng, giúp việc; cần đào tạo những ngành, nghề, công việc có kỹ năng quản lý. Cách tiếp cận cũ của Luật là chỉ tập trung vào việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và có những quy định cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đưa đi. Cần phải thay đổi, phải có thiết chế trong luật quy định các chính sách bảo vệ quyền lợi cho người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như các chính sách khi người lao động trở về nước. Luật cũng phải minh bạch, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc thì cần phải xử lý nghiêm những hành động, hành vi trục lợi bất chính, vô trách nhiệm, bỏ rơi người lao động - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Hạnh Quỳnh

Có thể bạn quan tâm