Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hậu Giang
Nhờ nuôi gà, gia đình ông Thạch Phol, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, đã thoát nghèo.
Nhờ nuôi gà, gia đình ông Thạch Phol, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, đã thoát nghèo.
Giao thông nông thôn thông suốt

Hơn 5 năm trước, khi đến các ấp vùng sâu, ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, ai cũng ngán ngại vì đường sá sình lầy, trơn trợt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh bỏ học tăng cao. Nhưng giờ đây, hầu hết các tuyến đường được lót đan hoặc tráng bê tông, đã mang đến sự chuyển biến lớn trong đời sống kinh tế, văn hóa và nhất là việc học hành của con em vùng sâu. Tuyến đường ở ấp 4, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, dài 6,8km, được xây dựng từ Chương trình 135 (giai đoạn II) hoàn thành cách đây không đầy 3 tháng, với tổng kinh phí trên 4,7 tỉ đồng, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận tiện, học sinh đi học dễ dàng, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Theo nhiều người dân ở đây, trước đây, tuyến đường này được đổ đá xô bồ, ngang 2m, nhưng đã xuống cấp, hư hỏng, đi lại khó khăn. Hôm nào trời mưa, những gia đình có con em đi học thì phụ huynh phải đưa bằng xuồng, ghe đến trường. Bây giờ, tuyến đường được làm mới, khang trang, học sinh đi học thoải mái dù mưa hay nắng. Ông Đào Văn Út, người dân ở ấp 4, cho biết: “Bây giờ có đường bê tông thông thoáng nên từ đây ra chợ Kinh Cùng mất khoảng 2 tiếng đồng hồ kể cả đi lẫn về. Trước đây, khi chưa xây dựng đường thì đi bằng xuồng, ghe mất cả buổi”.

Còn tuyến đường nông thôn ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, dài gần 2km, ngang 3,5m cũng được xây dựng từ Chương trình 135 (giai đoạn II) khá thông thoáng. Bà Nguyễn Thị Năm, người dân ở đây, bộc bạch: “Từ khi tuyến đường được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa vận chuyển thông thương. Nhờ đó, đời sống của bà con ở đây không ngừng cải thiện, nhiều hộ đã sắm xe mô tô và cả ô tô”. Nói xong, bà Năm chỉ tay về những ngôi nhà tường, nhà lầu của đồng bào dân tộc Khmer ở đây vừa xây xong vài tháng trước.

Theo lãnh đạo xã Xà Phiên, từ năm 2010 đến nay, xã đã xây dựng trên 7.400m đường, kinh phí trên 3 tỉ đồng, từ đó bộ mặt giao thông nông thôn của xã trở nên khang trang. “Để giao thông nông thôn của xã thông thoáng và đồng bộ, hàng năm, chúng tôi xem xét những tuyến đường cấp thiết thì ưu tiên thực hiện trước, còn các tuyến chưa bức xúc thì làm ở những năm tiếp theo”, ông Lê Hoài Hận, Chủ tịch UBND xã Xà Phiên, cho biết.

Thụ hưởng Chương trình 135 (giai đoạn II) trong việc đầu tư, xây dựng, sửa chữa một số tuyến đường đã xuống cấp, hư hỏng trong vùng đồng bào dân tộc, từ năm 2010-2015, toàn tỉnh thực hiện được 117 công trình, với kinh phí gần 43,6 tỉ đồng, từ đó tạo thuận lợi trong việc đi lại, phục vụ sản xuất, giao thông giữa các ấp và liên xã được thông suốt. Ông Lê Văn Kha, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, đánh giá: “Nếu năm 2010, ở một số tuyến đường giao thông nông thôn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhất là ở vùng sâu điều kiện đi lại khó khăn, thì nay phần lớn các tuyến đường này được xây dựng khang trang, thông thoáng, tạo điều kiện cho bà con đi lại dễ dàng, là sức bật để giúp địa phương phát triển”.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc cũng được đặc biệt quan tâm. 5 năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các chùa Khmer trong tỉnh đã đóng mới 4 chiếc ghe ngo, trị giá 960 triệu đồng; xây dựng 8 lò hỏa táng, với trên 4 tỉ đồng. Ngoài ra, các chùa còn được chính quyền các cấp tạo điều kiện hỗ trợ trùng tu, sửa chữa, xây dựng, với kinh phí gần 5 tỉ đồng…

Thay đổi cách nghĩ trong sản xuất

Bây giờ, câu chuyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không còn hiếm. Đi đến phum sóc nào cũng đều nghe, bắt gặp những mẩu chuyện, mô hình làm giàu của bà con, đặc biệt trong cách nghĩ, cách làm của họ có nhiều đột phá. Điển hình như gia đình ông Thạch Phol, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, là một minh chứng. Gia đình ông không có đất sản xuất, do đó cái nghèo đeo bám nhiều năm liền. Tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà, gia đình ông nuôi gà, nuôi heo, cho thu nhập khá trong năm. Đặc biệt, để tăng kiến thức trong việc chăn nuôi, ông tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật mà thị trấn phối hợp với huyện tổ chức. Cuối năm 2013, gia đình ông đã thoát nghèo và cất được căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng. Ông Thạch Phol cho biết: “Làm gì thì làm, nhưng phải có kiến thức chuyên môn mới được. Ngoài ra, mỗi người phải nỗ lực vươn lên, không thể cái gì cũng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện cho mình có “cây cần câu” thì mình làm sao phải “biết câu” để thoát nghèo chứ”.

Đó là một trong rất nhiều trường hợp đồng bào dân tộc Khmer vượt qua khó khăn, thoát nghèo vươn lên làm giàu. Đặc biệt, nhiều gia đình còn có cơ ngơi vững chắc, với 40-50 công ruộng, như ông Danh Sang, ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh; ông Danh Xem, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ; ông Thạch Rươl, ở ấp 5, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy… Theo Ban Dân tộc tỉnh, nếu năm 2011, toàn tỉnh có 23 xã thuộc vùng khó khăn thì nay còn 12 xã; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2011 chiếm 35,5%, nay còn 19,22%. Có được con số ấn tượng đó, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước trong công tác đào tạo nghề, vay vốn, giải quyết việc làm thì sự nỗ lực tự vươn lên của bà con là yếu tố rất quan trọng. Ngoài ra, bà con còn tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất nhanh, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. 

Từ những kết quả trên đã tạo được sự đồng thuận cao, củng cố thêm lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước. Qua đó, đồng bào an tâm hơn và tập trung đầu tư phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội chung của tỉnh. Ông Lê Văn Kha cho biết: “Thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, thực hiện các chính sách hỗ trợ khác để vùng đồng bào dân tộc, các hộ nghèo sớm có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm