Là huyện nghèo ở vùng biên của tỉnh Sơn La, những năm gần đây, Sốp Cộp đã và đang thay đổi từng ngày. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong huyện ngày được nâng lên. Cuộc sống vui tươi, ấm no hiện hữu trên các bản vùng cao.
Đến huyện vùng biên Sốp Cộp những ngày này có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của bộ mặt nông thôn miền núi. Những con đường giao thông liên bản, liên xã được đầu tư cứng hóa; những căn nhà mái ngói đỏ tươi nổi bật giữa núi đồi. Có được những thay đổi đó là nhờ sự "chuyển mình" trong tư duy, ý thức phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no của người dân địa phương.
Gia đình anh Lò Văn Thuấn ở bản Nà Mòn được biết đến là một trong những gia đình trẻ làm kinh tế giỏi của xã Mường Và. Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, không đi theo lối mòn, lạc hậu, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn cho năng suất, giá trị thấp sang trồng gần 300 cây cam, quýt giống bản địa. Sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc theo đúng kỹ thuật, đến nay mỗi vụ cam, gia đình anh thu về gần 200 triệu đồng.
Anh Lò Văn Thuấn chia sẻ, ban đầu khi chuyển sang trồng cây ăn quả anh chỉ dám thử nghiệm trồng hơn 50 gốc. Nhưng sau một thời gian, anh đã chuyển đổi hoàn toàn sang trồng cây cam, quýt; nhờ đó thu nhập của gia đình anh ngày càng ổn định và nâng lên rõ rệt.
Nhận thấy hiệu quả của việc phát triển cây ăn quả đem lại, người dân ở đây đã cùng học hỏi và nhân rộng mô hình này. Ban đầu chỉ có 10 ha đến nay bản Nà Mòn, xã Mường Và đã có gần 60 ha cây ăn quả. Những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp đã dần được người dân thay thế.
"Hiện nay có hơn 50% hộ dân trong bản đã chuyển sang trồng cây ăn quả, cả bản chỉ còn 25 hộ nghèo. Thu nhập trung bình hàng năm của các hộ có vườn cây ăn quả đạt từ 200 triệu đồng trở lên. Từ khi chuyển sang phát triển cây ăn quả có múi, người dân trong bản đã có thu nhập ổn định, đời sống ấm no và hạnh phúc hơn. "anh Lò Văn Bảo, Trưởng bản Nà Mòn chia sẻ.
Một trong những điểm nhấn giúp huyện vùng biên Sốp Cộp có diện mạo, sức sống mới là nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Trung ương và tỉnh Sơn La; sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương, đến nay huyện Sốp Cộp đã có 2 xã đạt chuẩn, 6 xã đã đạt từ 8 - 13 tiêu chí nông thôn mới.
Theo ông Lò Văn Thái, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dồm Cang, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng", chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt giữa các cấp, ngành. Từ đó, tạo sự đồng thuận trong việc tập trung các nguồn lực để tổ chức thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Kết quả là sau 10 năm triển khai, xã đã huy động được trên 118 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 18 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình đã được đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Huyện Sốp Cộp có trên 120 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Xác định biên giới ổn định là một trong những yếu tố giúp người dân yên tâm lao động sản xuất; vì vậy, thời gian qua các đồn Biên phòng trên địa bàn đã tích cực nắm tình hình, đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, vận động quần chúng nhân không di cư tự do, không học, truyền đạo trái phép. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ Đồn đã tuyên truyền vận động nhân dân đề cao cảnh giác không tin, không nghe, không làm theo, không mắc mưu kẻ xấu; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực xây dựng đời sống văn hóa mới. Nhờ đó, tình hình biên giới thời gian qua luôn ổn định, tạo điều kiện cho người dân yên tâm bám trụ nơi biên giới.
Thiếu tá Vì Văn Chương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) cho biết, cùng với việc bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới quốc gia, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương, tập trung giúp đỡ người dân phát triển kinh tế - xã hội. Lực lượng Biên phòng thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh tại các bản, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cuộc sống cho người dân. Qua đó, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền an ninh giới quốc gia.
Cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Sốp Cộp cũng có bước chuyển tích cực. Đến nay, toàn huyện đã có trên 6.200 hộ đạt gia đình văn hóa, 78/78 đơn vị văn hóa. Phong trào này đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện vùng biên còn nhiều khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp Tòng Thị Kiên, các chương trình, dự án hỗ trợ người dân trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, kinh tế được đánh giá phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất của người dân đã được nâng lên hơn trước rất nhiều. Đến nay, hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 24%, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo và giữ vững.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới đến từng người dân, xác định rõ trách nhiệm của người dân trong việc tham gia đóng góp, tổ chức thực hiện, giám sát chương trình; không trông chờ, ỷ lại từ nguồn vốn ngân sách. Ngoài ra, huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách và các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương; huy động thêm các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân để thực hiện có hiệu quả, bền vững mục tiêu giảm nghèo.
Hữu Quyết