Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) Lê Thắng cho biết, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến kết nối. Tuyến 1: kết nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Điểm đầu dự án (Km0+000) tại nút giao IC16 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Km 91+ 00 QL 279) huyện Văn Bàn (Lào Cai). Điểm cuối dự án (Km 146+600) tại ngã ba Bệnh viện Đa khoa (KM34+800 QL 4D), thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu).
Chiều dài tuyến khoảng 147 km cấp III miền núi; trong đó, chiều dài tuyến nâng cấp cải tạo là 132,8km. Chiều dài tuyến xây dựng mới là 14,03 km. Bề rộng nền đường 9m, bề rộng mặt đường 8m. Xây dựng 11 cầu trên tuyến với tổng chiều dài toàn bộ các cầu khoảng 1.011m.
Tuyến 2 tuyến nối từ Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Điểm đầu dự án (Km0+00) tại nút giao IC14 của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Km 149 + 705 Cao tốc Nội Bài - Lào Cai) thuộc địa phận huyện Văn Yên (Yên Bái). Điểm cuối dự án (Km 54+069.24) giao với QL 32 tại Lý trình Km209+500 thuộc địa phận thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái).
Chiều dài tuyến khoảng 51,375 km cấp IV miền núi, bề rộng đường 7,5m, bề rộng mặt đường 6,5m; trong đó xây dựng mới 3 cầu trên tuyến với tổng chiều dài các cầu 521m.
Tổng mức đầu tư dự án là 235,328 triệu USD tương đương hơn 5.339 tỷ VND. Thời gian thực hiện dự án 5 năm (2019 - 2024). Hiện nay, dự án đang triển khai công tác thiết kế kỹ thuật.
Dự kiến quý IV năm 2020 sẽ thực hiện xong công tác thiết kế kỹ thuật, quý IV/ 2020 - quý IV/2024 thực hiện công tác triển khai thi công. Dự án dự kiến sẽ thu hồi 777,897m2 đất công và đất của các hộ gia đình tại 3 tỉnh (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái); ảnh hưởng tới 957 hộ gia đình, trong đó có 115 hộ bị ảnh hưởng nặng do mất nhiều đất nông nghiệp và 6 hộ phải di rời.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng, dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu cũng như các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Việc đầu tư tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh và mở rộng giao thương hàng hóa, giảm thiểu ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông, góp phần xóa đói giảm nghèo. Cùng đó, cải thiện đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, tăng cường giao lưu văn hóa, kéo gần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi. Đồng thời, dự án được đầu tư sẽ góp phần kích thích tăng cường kinh tế - xã hội, phát triển văn hóa, du lịch, công nghiệp. Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo khu vực dự án đi qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cam kết sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị thuộc Bộ trong việc cắm cọc, bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới và sớm thực hiện các thủ tục thu hồi đất, kiểm đếm, tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và phát triển dân tộc thiểu số…Từ đó, bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công theo tiến độ dự án được duyệt. Với sự quyết tâm cao, hy vọng rằng dự án sẽ sớm được triển khai thi công và hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào các vấn đề trọng tâm như: công tác giải phóng mặt bằng; phương án khảo sát, thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thiết kế, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án.
Việt Hoàng
TTXVN