Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho hay, với tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng như hiện nay, khả năng xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn cục bộ vào cuối vụ Hè Thu 2022. Khu vực được cảnh báo thiếu nước chủ yếu tập trung tại vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ.
Dự kiến, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị hạn là 2.000 ha; trong đó, có 1.100 ha lúa và 900 ha cây trồng khác. Cùng với đó, có 4.000 người có khả năng thiếu nước sinh hoạt và 8.000 vật nuôi có khả năng thiếu nước uống.
Trước tình hình đó, Sở đã lên phương án phòng chống hạn và xâm nhập mặn cho vụ Hè Thu năm 2022, với tổng kinh phí lên tới 20 tỷ đồng. Theo đó, Sở sẽ tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm, nước hồi quy để trữ vào các ao, hồ, kênh chìm, kênh tiêu… phục vụ chống hạn kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, điều tiết, phân phối nước kịp thời đến các vùng bị hạn; áp dụng các biện pháp tưới luân phiên, tưới ướt ráo; ưu tiên vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau; bảo đảm nước theo nhu cầu và phù hợp với thời kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm của tỉnh.
Ngoài ra, Sở sẽ tập trung rà soát vùng tưới của các hồ chứa hiện có dung tích nước còn lại trong hồ đạt thấp (hồ chứa nước Hóc Dọc, Hóc Sầm, Mạch Điểu, An Thọ, Sở Hầu…) để triển khai các biện pháp phòng chống hạn phù hợp với tình hình thực tế.
Trường hợp khi nguồn nước công trình thủy lợi Thạch Nham hoặc Liệt Sơn không đảm bảo đủ nước tưới thì chủ động điều tiết nước từ hồ chứa nước Núi Ngang vào hệ thống kênh chính nam Sông Vệ, Liệt Sơn để hỗ trợ chống hạn cho huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.
Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước đối với hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phải chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Thủy điện Đăkđrinh để điều tiết nước hợp lý từ hồ chứa nước Đăkđrinh cho công trình thủy lợi Thạch Nham để cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp đảm bảo phù hợp theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc và quy chế phối hợp giữa các bên đã được ký kết.
Sở cũng chú trọng đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi để kịp thời đưa vào sử dụng; nạo vét kênh mương, đóng kín cửa cống xả nước và các phai tràn, cống xả cát không để rò rỉ, thẩm lậu nước, hạn chế xâm nhập mặn; tổ chức đóng giếng, lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước chống hạn…
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, các đợt nắng nóng gay gắt có thể kéo dài từ tháng 7 - 8/2022. Mực nước trên sông biến đổi chậm theo xu thế giảm dần. Tổng dung tích nước còn lại hiện nay của 124 hồ chứa thủy lợi là hơn 285 triệu m3, còn tới 71% so với dung tích hồ thiết kế; dung tích trữ của hồ thủy điện Đăkđrinh là hơn 172 triệu m3, còn 70% so với dung tích hồ thiết kế.
So với trung bình cùng kỳ nhiều năm trong Hè Thu thì lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện nay cao hơn khoảng 30%. Vì vậy, nguồn nước trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo cung cấp tưới cho sản xuất nông nghiệp (trừ vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ).
Lê Phước Vĩnh Trọng