Tại thành phố Vinh, trường Trung học Cơ sở Đội Cung khá thuận lợi khi triển khai dạy học trực tuyến. Ngoài dạy trên hệ thống e-learning, ra bài tập trên Zalo, Messenger, học trên truyền hình, nhà trường còn quay các tiết dạy đăng tải trên Youtube.
Tuy nhiên, theo thầy Phạm Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đội Cung: “Mặc dù là trường ở địa bàn thành phố, nhưng không phải học sinh nào cũng có điều kiện về máy tính kết nối internet và không phải giáo viên nào cũng làm quen được với việc dạy học hiện đại. Bên cạnh đó, vì chưa triển khai đồng bộ, nên để công nhận kết quả dạy học trực tuyến là rất khó. Theo tôi, muốn triển khai đại trà các trường phải chuẩn bị đủ điều kiện để tiếp cận từ từ và có tập huấn rõ ràng”.
Tương tự, thầy giáo Nguyễn Văn Thọ, Giáo viên Vật lý, trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, cũng phân tích: Môn Vật lý của lớp 12 có lượng kiến thức rất rộng, trong khi thời lượng chỉ có 8 buổi học trực tuyến, nên để truyền tải đầy đủ kiến thức sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, các giáo viên đã thống nhất sẽ dạy kiến thức cơ bản, quan trọng nhất của chương trình dành cho học sinh đại trà và gợi mở thêm một số nội dung khác để các em có cơ hội nâng cao.
“Đây là một năm học đặc biệt, nên tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương giảm tải cho Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, trong đó nên giảm tải phần bài tập vận dụng cho những nội dung đã học trong học kỳ II”, thầy giáo Nguyễn Văn Thọ, Giáo viên Vật lý, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng đề xuất.
Các huyện miền núi, do cơ sở hạ tầng và điều kiện của phụ huynh học sinh chưa đáp ứng được cho việc dạy và học trực tuyến, nên vẫn duy trì giải pháp về tự học và kiểm tra đánh giá của các nhà trường. Thực tế, huyện Con Cuông hiện nay có 44 trường, trong đó chỉ có 8 trường ở vùng thuận lợi, có thể triển khai dạy học trực tuyến. Các trường còn lại phần lớn phụ huynh chưa thể tiếp cận được với hình thức dạy và học trực tuyến.
“Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các trường tùy theo điều kiện thực tế của từng đối tượng học sinh, với những gia đình có đầy đủ điều kiện để giảng dạy trực tuyến thì giáo viên ra bài qua Zalo, Facebook, còn ngược lại thì giáo viên về trực tiếp các gia đình hướng dẫn cho học sinh. Theo tôi, không thể áp dụng nhất nhất một giải pháp cho tất cả học sinh”, ông Lê Thanh An, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết.
“Ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa như huyện Kỳ Sơn, chúng tôi chỉ đạo giáo viên đến tận nhà giao bài tập và kiểm tra, bởi việc có máy tính kết nối internet hay ti vi để học trực tuyến với gia đình học sinh nơi đây còn rất lạ lẫm. Vì vậy, việc công nhận kết quả học trực tuyến đối với địa phương miền núi là khó khả thi”, ông Phan Văn Thiết, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn phân tích.
Mới đây, qua khảo sát lấy ý kiến phụ huynh học sinh về hình thức dạy học trong phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho thấy, 83,1% ý kiến đồng tình với hình thức ôn tập trực tuyến của các nhà trường qua mạng internet; 91,6% ý kiến đồng tình ôn tập trên truyền hình, nhưng cũng có đến hơn 31% ý kiến băn khoăn về điều kiện thiết bị của gia đình học sinh không thể tiếp cận hình thức học tập này.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Thực tế cho thấy, nếu không có chương trình học, nội dung thống nhất cụ thể, mỗi trường sẽ triển khai theo một cách riêng. Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Với một địa bàn đặc thù như tỉnh Nghệ An, diện tích rộng và nhiều vùng rất khó khăn, để công nhận kết quả học tập qua chương trình học trực tuyến phải có quy chế, quy định cụ thể. Từ đó, các trường thống nhất trong triển khai từ hình thức đến nội dung chương trình học tập để đồng nhất.
Dạy học ứng dụng công nghệ thông tin là hình thức học tập phù hợp trong thời đại mới mà các trường phải hướng tới. Tuy nhiên, để dạy học hiệu quả và đảm bảo không thiệt thòi cho từng đối tượng học sinh, địa phương cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật, về chương trình, thay vì giải pháp tình thế như hiện nay và quan trọng nhất là cần có hướng dẫn, quy định cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, theo thầy Phạm Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Đội Cung: “Mặc dù là trường ở địa bàn thành phố, nhưng không phải học sinh nào cũng có điều kiện về máy tính kết nối internet và không phải giáo viên nào cũng làm quen được với việc dạy học hiện đại. Bên cạnh đó, vì chưa triển khai đồng bộ, nên để công nhận kết quả dạy học trực tuyến là rất khó. Theo tôi, muốn triển khai đại trà các trường phải chuẩn bị đủ điều kiện để tiếp cận từ từ và có tập huấn rõ ràng”.
Tương tự, thầy giáo Nguyễn Văn Thọ, Giáo viên Vật lý, trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh, cũng phân tích: Môn Vật lý của lớp 12 có lượng kiến thức rất rộng, trong khi thời lượng chỉ có 8 buổi học trực tuyến, nên để truyền tải đầy đủ kiến thức sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, các giáo viên đã thống nhất sẽ dạy kiến thức cơ bản, quan trọng nhất của chương trình dành cho học sinh đại trà và gợi mở thêm một số nội dung khác để các em có cơ hội nâng cao.
“Đây là một năm học đặc biệt, nên tôi rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương giảm tải cho Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia, trong đó nên giảm tải phần bài tập vận dụng cho những nội dung đã học trong học kỳ II”, thầy giáo Nguyễn Văn Thọ, Giáo viên Vật lý, Trường Trung học Phổ thông Huỳnh Thúc Kháng đề xuất.
Các huyện miền núi, do cơ sở hạ tầng và điều kiện của phụ huynh học sinh chưa đáp ứng được cho việc dạy và học trực tuyến, nên vẫn duy trì giải pháp về tự học và kiểm tra đánh giá của các nhà trường. Thực tế, huyện Con Cuông hiện nay có 44 trường, trong đó chỉ có 8 trường ở vùng thuận lợi, có thể triển khai dạy học trực tuyến. Các trường còn lại phần lớn phụ huynh chưa thể tiếp cận được với hình thức dạy và học trực tuyến.
“Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các trường tùy theo điều kiện thực tế của từng đối tượng học sinh, với những gia đình có đầy đủ điều kiện để giảng dạy trực tuyến thì giáo viên ra bài qua Zalo, Facebook, còn ngược lại thì giáo viên về trực tiếp các gia đình hướng dẫn cho học sinh. Theo tôi, không thể áp dụng nhất nhất một giải pháp cho tất cả học sinh”, ông Lê Thanh An, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết.
“Ở địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa như huyện Kỳ Sơn, chúng tôi chỉ đạo giáo viên đến tận nhà giao bài tập và kiểm tra, bởi việc có máy tính kết nối internet hay ti vi để học trực tuyến với gia đình học sinh nơi đây còn rất lạ lẫm. Vì vậy, việc công nhận kết quả học trực tuyến đối với địa phương miền núi là khó khả thi”, ông Phan Văn Thiết, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn phân tích.
Mới đây, qua khảo sát lấy ý kiến phụ huynh học sinh về hình thức dạy học trong phòng, chống dịch COVID-19 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho thấy, 83,1% ý kiến đồng tình với hình thức ôn tập trực tuyến của các nhà trường qua mạng internet; 91,6% ý kiến đồng tình ôn tập trên truyền hình, nhưng cũng có đến hơn 31% ý kiến băn khoăn về điều kiện thiết bị của gia đình học sinh không thể tiếp cận hình thức học tập này.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Thực tế cho thấy, nếu không có chương trình học, nội dung thống nhất cụ thể, mỗi trường sẽ triển khai theo một cách riêng. Điều này ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Với một địa bàn đặc thù như tỉnh Nghệ An, diện tích rộng và nhiều vùng rất khó khăn, để công nhận kết quả học tập qua chương trình học trực tuyến phải có quy chế, quy định cụ thể. Từ đó, các trường thống nhất trong triển khai từ hình thức đến nội dung chương trình học tập để đồng nhất.
Dạy học ứng dụng công nghệ thông tin là hình thức học tập phù hợp trong thời đại mới mà các trường phải hướng tới. Tuy nhiên, để dạy học hiệu quả và đảm bảo không thiệt thòi cho từng đối tượng học sinh, địa phương cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật, về chương trình, thay vì giải pháp tình thế như hiện nay và quan trọng nhất là cần có hướng dẫn, quy định cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bích Huệ