Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum

Năm 2022, tỉnh Kon Tum kế hoạch có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 44 xã, nhưng xét theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, nhiều khả năng tỉnh Kon Tum khó đạt được mục tiêu như kế hoạch đã đề ra. Đến cuối tháng 7/2022, mới chỉ có 1/8 xã trên đảm bảo các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là xã Đăk Tờ Re của huyện Kon Rẫy, xã còn lại mới chỉ đạt từ 12 – 16 tiêu chí.

*Nhiều khó khăn

Kon Plông là huyện gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Kon Tum. Ngoài thị trấn Măng Đen, các xã còn lại của huyện đều có địa hình phức tạp, khó khăn, tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên chậm phát triển. Hiện, huyện Kon Plông đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Măng Cành, Pờ Ê và Đăk Tăng. Năm 2022, huyện đăng ký thêm xã Ngọc Tem đạt chuẩn nông thôn mới.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum ảnh 1Một góc xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum không không đạt nông thôn mới theo tiêu chí mới. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, đến cuối tháng 7/2022, huyện gần như chắc chắn xã Ngọc Tem không thể đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022 theo kế hoạch đã đề ra. Nguyên nhân là bởi, nếu xét theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 – 2020, xã đạt được tiêu chí tỉ lệ hộ nghèo, song theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025, tỉ lệ hộ nghèo của xã đã nâng lên 59%. Tương tự, mức thu nhập bình quân của xã hiện nay là 27 triệu đồng/người/năm, trong khi theo Bộ tiêu chí mới phải là 39 triệu.

“Nếu mức tăng không nhiều thì huyện sẽ cố gắng dồn lực để xã Ngọc Tem đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch, nhưng mức chênh lệch khá cao, tới 12 triệu đồng thì rất khó để xã có thể đạt được. Thậm chí, với 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nếu áp Bộ tiêu chí mới vào thì sẽ có một số tiêu chí chưa đạt. Thực tế, hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn không chênh lệch nhau quá lớn về mức thu nhập, nên khi áp tiêu chí mới, tỉ lệ hộ nghèo sẽ tăng lên rất nhiều”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông Lê Đức Tín phân tích.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum ảnh 2 Xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum hiện mới đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Một tiêu chí khác trong Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025 khiến các địa phương của tỉnh Kon Tum gặp khó là tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Ông Dương Anh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum cho biết, theo bộ tiêu chí trước đây, quy định sử dụng nước hợp vệ sinh nên dễ áp dụng. Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí mới, nước sạch được quy định được cung cấp từ công trình cấp nước tập trung, trong khi xã Ngọc Bay chưa có. Ngoài ra, các tiêu chuẩn sạch của nguồn nước để có thể uống trực tiếp cũng rất khó xác định.

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi cũng bày tỏ, trong quá trình xây dựng xã Đăk Nông trở thành xã nông thôn mới nâng cao, chính quyền địa phương cũng gặp khó về tiêu chí nước sạch. Nguyên nhân là bởi địa hình chia cắt, người dân sinh sống phân tán, nên khó có thể xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho người dân.

*Sớm có giải pháp

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, khó khăn lớn nhất mà các địa phương của tỉnh gặp phải trong xây dựng nông thôn mới là tiêu chí thu nhập và tỉ lệ hộ nghèo. Qua rà soát, tỉ lệ này nâng lên rất cao, một số địa phương nâng lên trên 50%.

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung các nguồn lực tại địa phương để hỗ trợ phát triển sản xuất, kết hợp tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Đồng thời, ưu tiên các hộ nghèo tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giới thiệu tạo việc làm; ưu tiên cho lao động thuộc hộ nghèo tại các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn xã. Cùng đó, mở rộng mô hình liên kết giữa các hộ nông dân với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn trong hỗ trợ sản xuất và tạo việc làm tăng thu nhập người dân.

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum ảnh 3Xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum hiện mới đạt 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Dư Toán – TTXVN

Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, để tìm kiếm việc làm cần gắn liền thu nhập của người dân với trách nhiệm của chính quyền cấp xã; phải phân nhóm người lao động để kết nối với các doanh nghiệp địa phương hoặc thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh.

“Các địa phương không thể nói là do người dân không có việc làm nên nghèo, thu nhập thấp được, mà cần phải cải thiện điều đó bằng hành động cụ thể. Tới đây, tỉnh sẽ không thiếu nguồn vốn vay đào tạo nghề, nên các địa phương cần chủ động để Sở có kế hoạch đào tạo. Theo tiêu chí mới, nhiều địa phương có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%, mà một năm phải giảm được 20% là rất khó, nên phải có hành động cụ thể thì mới giảm được”, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết thêm.

Đối với tiêu chí nước sạch, Sở Y tế tỉnh Kon Tum hiện đang có kế hoạch xây dựng quy chuẩn nước sạch của địa phương gửi Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp thực hiện. Sau khi lấy mẫu và có kết quả ở một số vùng, Sở Y tế sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành quy chuẩn nước sạch của địa phương.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp yêu cầu Sở Y tế sớm thực hiện việc lấy mẫu, trong tháng 8/2022; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương quy định về xét nghiệm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Theo đó, quy định số lượng các chỉ tiêu, giới hạn cho phép của các thông số chất lượng nước phù hợp với thực trạng nguồn nước tại địa phương.

Đối với các huyện, thành phố, tỉnh yêu cầu chủ động rà soát, đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định và kịp thời có kế hoạch, giải pháp thực hiện đảm bảo theo mục tiêu đã đề ra; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tại các xã mục tiêu trong năm 2022 về xã nông thôn mới. Trên cơ sở nguồn lực năm 2022 các chương trình đã được phân bổ, các địa phương chủ động lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới; ưu tiên đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình nông thôn mới...

“Riêng đối với xã Ngọc Tem có tỉ lệ hộ nghèo cao, Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông tập trung các giải pháp về nâng cao thu nhập, giảm nghèo để đạt chuẩn tiêu chí; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đối với những nhiệm vụ ngoài khả năng của địa phương”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các sở, ngành cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong phối hợp, hỗ trợ các địa phương thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới; trong đó, tập trung tổ chức thực hiện các giải pháp để các xã mục tiêu năm 2022 hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trong trường hợp đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí, các ngành cần phối hợp với các địa phương để rà soát đánh giá chi tiết, xác định nhu cầu thực tế từng nội dung để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm