Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, dự án đưa vào vận hành có thể cung ứng sản lượng điện rất lớn cho hệ thống điện quốc gia. Từ đó, góp phần quan trọng đảm bảo cung ứng điện, nhất là trong bối cảnh khó khăn nhiều dự án nguồn điện lớn khác bị chậm tiến độ, thậm chí có những dự án rất khó khăn, vướng mắc, chưa có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ. Đây là một trong những công trình tạo tiền đề để xây dựng Bình Thuận trở thành thành trung tâm năng lượng mang tầm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói riêng, khu vực phía Nam nói chung và cả nước. Dự án hoàn thành và nhà máy đưa vào vận hành là kết quả nỗ lực vượt bậc của nhà đầu tư, tổng thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, quản lý, vận hành an toàn, tin cậy để góp phần đảm bảo cung ứng điện cho đất nước; tuyệt đối không được để xảy ra các vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành nhà máy. Chính quyền địa phương và người dân quanh vùng dự án tăng cường về an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trong giai đoạn tiếp theo, cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hàng năm chúng ta phải bổ sung thêm từ 5.000-6.000 MW công suất nguồn điện mới để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn đầu tư xây dựng các công trình ngành điện, khuyến khích các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư, đảm bảo cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là dự án cấp bách nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 của Chính phủ. Nhà máy được xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với tổng mức đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng.
Theo EVN, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 có tổng công suất 1.200 MW, gồm 2 tổ máy có cấu hình 1 lò hơi đốt than phun và 1 tua bin ngưng hơi truyền thống kèm máy phát, thông số hơi trên tới hạn. Hệ thống làm mát trực lưu sử dụng nước biển.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, Ngành Trung ương chụp hình lưu niệm với cán bộ, kỹ sư, công nhân nhà máy. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Đây là nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ ngưng hơi truyền thống với thông số hơi tiêu tới hạn, đốt than nhập khẩu. Đó là công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đã được áp dụng nhiều trên thé giới. Nhà máy được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500 kV với sản lượng điện sản xuất bình quân hàng năm khoảng 7,2 tỷ kWh, phục vụ cung cấp điện chủ yếu cho phụ tải khu vực phía Nam. Từ đó, góp phần quan trọng vào vận hành kinh tế hệ thống điện quốc gia, nhất là vào mùa khô.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 được khởi công vào tháng 3/2014. Các mốc tiến độ quan trọng của công trình đều đạt và vượt kế hoạch. Tổ máy S2 và các hạng mục dùng chung đã bàn giao và đưa vào vận hành thương mại vào ngày 6/12/2017. Tổ máy S1 và toàn bộ nhà máy đã bàn giao và vận hành từ ngày 31/3/2018 (sớm hơn kế hoạch 3 tháng). Trong suốt quá trình vận hành đến nay, các tổ máy đều đảm bảo phát huy công suất thiết kế, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát điện cho hệ thống điện quốc gia. Đến nay, nhà máy đã phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện trên 10,6 tỷ kWh.
Nguyễn Thanh