Đại diện Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tham quan “Bếp ăn mẫu bán trú” tại trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Duy – TTXVN |
“Bếp ăn mẫu bán trú” tại Lạng Sơn được xây dựng với tổng kinh phí khoảng 2,3 tỷ đồng. Trong đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ chính với khoảng 1,7 tỷ đồng từ chương trình viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Ngoài ra, Công ty Ajinomoto Việt Nam đóng góp gần 170 triệu đồng và hỗ trợ tư vấn về mô hình, tập huấn các quy trình vận hành chuẩn trong căn bếp.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, Keiji Kaneko bày tỏ tin tưởng bếp ăn sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc chuẩn bị những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng cho các em học sinh tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Ngoài ra, đây cũng là nơi để các trường tiểu học khác ở Lạng Sơn cũng như các tỉnh phía Bắc đến tham quan, học hỏi nhằm cải tiến bếp ăn của nhà trường, góp phần vào sự thành công của Dự án “Bữa ăn Học đường” và trên hết là cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho thế hệ trẻ tại các địa phương.
“Bếp ăn mẫu bán trú” được trang bị các thiết bị, dụng cụ cần thiết và hiện đại. Ảnh: Quang Duy – TTXVN |
“Bếp ăn mẫu bán trú” tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ được thiết kế tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao hiệu suất lao động của các nhân viên cấp dưỡng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm. Trong năm học 2018-2019 sắp tới, dự kiến bếp ăn này sẽ phục vụ cho khoảng 1.500 em học sinh bán trú.
Với bếp ăn mẫu tại Lạng Sơn, Dự án “Bữa ăn Học đường” hiện tại đã xây dựng thành công 2 bếp ăn mẫu tại Việt Nam. Trước đó vào năm 2014, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã tài trợ xây dựng “Bếp ăn mẫu bán trú” đầu tiên tại Trường tiểu học Trưng Trắc, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh.
Được khởi xướng từ năm 2012, Dự án "Bữa ăn học đường" do Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế thực hiện nhằm góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng và thể lực cho học sinh tiểu học bán trú. Tính đến tháng 4/2018, dự án đã được triển khai đến 34 tỉnh thành với 2.910 trường tiểu học bán trú trên toàn quốc thông qua áp dụng “Phần mềm Xây dựng Thực đơn Cân bằng Dinh dưỡng” trong công tác chuẩn bị thực đơn cũng như triển khai áp phích minh họa “3 phút thay đổi nhận thức” trong giáo dục kiến thức về dinh dưỡng cho các em học sinh.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, "Bữa ăn học đường" là dự án thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào mục tiêu cải thiện và nâng cao tầm vóc người Việt Nam cũng như sự thành công của các mục tiêu về dinh dưỡng học đường trong tình hình mới.
Ngọc Tùng